Cụ thể, trong dịp lễ Quốc khánh 2/9, khách quốc tế đến TP. Hồ Chí Minh ước khoảng 32.484 lượt; Khách du lịch nội địa khoảng 365.000 lượt và khách tại các cơ sở lưu trú ước khoảng 130.000 lượt. Ngoài ra, còn lượng lớn là nguồn khách tại địa phương cũng đã chọn vui chơi, giải trí ngay tại TP. Hồ Chí Minh. Tổng doanh thu của ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh dịp này ước đạt 2.740 tỷ đồng.

Du khách và người dân vui chơi dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên.
Du khách và người dân vui chơi dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên. (Ảnh: Báo Tin tức)

Cũng theo thống kê của Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, 8 tháng năm 2022, khách quốc tế đến TP. Hồ Chí Minh ước hơn 1,3 triệu lượt, đạt 39,5% so với kế hoạch năm 2022; Khách du lịch nội địa gần 17 triệu lượt, đạt 83,9% so với kế hoạch năm 2022. Tổng thu du lịch 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 74.500 tỷ đồng, đạt 93% so với kế hoạch năm 2022.

Những yếu tố giúp ngành Du lịch thành phố phục hồi nhanh được cho là nhờ TP. Hồ Chí Minh đã chú trọng đến thị trường khách du lịch MICE (du khách hội nghị, hội thảo, nghỉ dưỡng kết hợp du lịch). TP. Hồ Chí Minh đã đón nhiều đoàn khách từ Mỹ, Ấn Độ, Nam Phi và kỳ vọng những tháng cuối năm sẽ thu hút được nhiều khách quốc tế hơn nữa.

Thứ hai, TP. Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng, đầu tư làm mới sản phẩm trên cơ sở 366 tài nguyên du lịch đã được công bố với trọng tâm là kế hoạch “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch”. Đến nay, thành phố cũng đã có 30 chương trình du lịch đưa vào khai thác thu hút sự quan tâm của khách du lịch; Gần 30 sản phẩm đang được khảo sát, hoàn thiện và đưa vào khai thác tại các quận, huyện.

Một số tour đặc sắc như: Sài Gòn di sản trăm năm; Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn; Sài Gòn rong ca chiều thứ 7; Củ Chi - Đất thép thành đồng; Củ Chi - Nông trang xanh; Địa đạo vùng đất thép; Sài Gòn đẹp lắm; Trải nghiệm xe buýt hai tầng - Xuôi dòng Bình Trị Giang; Từ Sài Gòn xưa đến TP. Hồ Chí Minh nay; Khám phá lịch sử Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh bằng xe Hop on Hop off; Bình Chánh - Những điều chưa kể; Ngày yêu thương Sài Gòn; TP xanh Thủ Đức…

Thứ ba là TP. Hồ Chí Minh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, thu hút khách du lịch đến thành phố qua các sự kiện lễ hội và chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City” (Lễ hội Áo dài, Ngày hội Du lịch, Lễ hội Khinh khí cầu, Hội chợ Du lịch TP Hồ chí Minh 2022…).

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh còn có những khu du lịch nổi tiếng như: Công viên văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch Suối Tiên, Thảo cầm viên Sài Gòn, Khu rừng sác Cần Giờ và hàng loạt các điểm đến mang tính văn hóa, lịch sử lâu đời của thành phố như: Bến Nhà Rồng, Dinh Độc lập (Dinh Thống nhất), Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà… Trong đó, 3 khu: Công viên văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch Suối Tiên, Thảo cầm viên Sài Gòn, qua 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 ước đạt 150.000 lượt khách.

Ở một diễn biến liên quan, theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 05/09 cho biết, trong 4 ngày nghỉ lễ (từ ngày 01-04/09), ước tính cả nước đã phục vụ khoảng 3 triệu khách du lịch. Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 60-65%.

Kỳ nghỉ lễ 2/9 năm nay kéo dài 4 ngày, là đợt nghỉ dài ngày cuối cùng kết thúc kỳ nghỉ hè để bước vào năm học mới, lượng khách tham quan, vui chơi tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn cả nước tăng nhẹ, không bùng nổ như các kỳ nghỉ trước.

Các địa phương đã nỗ lực nắm bắt thời cơ, xây dựng và làm mới sản phẩm, chỉnh trang lại không gian, khánh thành các khu, điểm du lịch mới để thu hút du khách. Vì kỳ nghỉ lễ 2/9 sát ngày khai giảng năm học mới nên du khách có xu hướng lựa chọn những điểm đến gần nhà. Khách phía Nam thích Vũng Tàu, Phan Thiết (Bình Thuận), Đà Lạt (Lâm Đồng), Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng..., trong khi đó khách phía Bắc chọn Ninh Bình, Pù Luông (Thanh Hóa), SaPa (Lào Cai), Mù Căng Chải, Tú Lệ (Yên Bái), Hà Giang...

Hầu hết các tỉnh, thành phố đều cơ bản đạt chỉ tiêu phục vụ khách du lịch so với cùng kỳ những năm trước, đặc biệt có những địa phương tăng gấp 3-4 lần.

Nguyễn Tùng