Cụ thể, theo báo cáo nhanh của Phòng Nghiệp vụ Dược và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, đến hết ngày 21/11/2023, địa bàn Thành phố không còn các vaccine: DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván), IPV (bại liệt tiêm), VGB (viêm gan B), SII (Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib).
Một số vaccine còn lại như: Sởi, bOPV (bại liệt uống), BCG (lao), MR (sởi - rubella), uốn ván, viêm não Nhật Bản còn lại rất ít, chỉ đủ dùng trong một hoặc vài ngày tới.
Thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho thấy, các vaccine thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng sản xuất trong nước dự kiến sớm nhất được cung ứng trở lại vào cuối tháng 11/2023. Các vaccine nhập khẩu phải chờ đến cuối tháng 12/2023.
Như vậy, hàng ngàn trẻ em trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước đang phải đối mặt với "lỗ hổng" tiêm chủng lớn.
Trước đó, trước tình trạng thiếu hụt vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Sở Y tế đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố có văn bản báo cáo và đề nghị Bộ Y tế khẩn trương phân bổ vaccine, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho người dân trên địa bàn.
Ngày 27/10/2023, Bộ Y tế đã có công văn phúc đáp kiến nghị của Ủy ban nhân dân Thành phố. Công văn nêu “Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đang tiến hành mua sắm vaccine. Sau khi có kết quả mua sắm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ tiến hành phân bổ cho TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong thời gian sớm nhất”.
Ngày 10/07/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về việc bố trí ngân sách Trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vaccine cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 05/08/2023 về việc bổ sung dự toán năm 2023 của Bộ Y tế để mua vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã và đang tiến hành đàm phán giá đối với vaccine sản xuất trong nước và đấu thầu mua sắm vaccine nhập khẩu.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Đến năm 2010, đã có 11 vaccine phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào Chương trình, gồm: vaccine phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.
Minh An (T/h)