
Hiện nay tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Một số dịch bệnh như sởi, ho gà, sốt xuất huyết, sốt rét, cúm A(H5N1) tiếp tục ghi nhận số ca mắc cao và bùng phát tại nhiều quốc gia. Trong nước, dịch sởi vẫn đang ghi nhận số mắc cao ở nhóm trẻ từ 11-15 tuổi; bên cạnh đó, các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng có xu hướng gia tăng cục bộ tại một số địa phương.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp ngành Y tế triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng, tăng cường rà soát, quản lý, không bỏ sót đối tượng tiêm chủng. Bố trí kinh phí, đảm bảo nguồn lực từ ngân sách địa phương để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng mở rộng năm 2025;
Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng, tăng cường quản lý đối tượng tiêm chủng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đủ các mũi vaccine phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và cập nhật đầy đủ thông tin tiêm chủng của trẻ trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia. Cùng với đó là xây dựng, triển khai phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn trong mùa hè, tại các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2025, gần nhất là dịp nghỉ lễ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, ngày Quốc tế lao động 1/5 và cao điểm du lịch hè 2025;
Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao (dại, cúm A (H5N1), sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà, bạch hầu…);
Thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, kịp thời điều trị, cấp cứu người bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người bệnh điều trị tại đơn vị hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật...). Bảo đảm hoạt động thông suốt, không để gián đoạn làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng sau khi sáp nhập, hợp nhất các đơn vị y tế ở các cấp.
Bộ Y tế chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường giám sát chủ động, phát hiện sớm và xử lý kịp thời dịch bệnh trên động vật, nhất là cúm gia cầm, bệnh dại,...
Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi, kịp thời điều phối, phân bổ vaccine giữa các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phụ trách và thường xuyên giám sát, hỗ trợ các địa phương trong việc tổ chức triển khai;
Triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ các loại vaccine.
Lê Thanh (t/h)