
Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có trên 400 trường học tổ chức ăn bán trú, nội trú, phục vụ khoảng 70.000 suất ăn mỗi ngày. Trong đó, nhiều trường ở vùng sâu còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ. Từ đầu năm học 2024–2025 đến nay, ngành y tế và giáo dục đã phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các trường học trên toàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ tháng 9/2024 đến nay, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đã thành lập 22 tổ kiểm tra 100% trường học có tổ chức bếp ăn tập thể.
Cùng với công tác giáo dục, việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học luôn được ngành giáo dục và đào tạo Lạng Sơn quan tâm, thực hiện, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các trường học trên địa bàn tăng cường các biện pháp đảm bảo ATVSTP, kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập nguyên liệu đến chế biến, đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ.
Cô Mông Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hòa Bình, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Nhà trường có 59 trẻ ăn bán trú. Với độ tuổi còn nhỏ, các em ăn tại trường từ 2-3 bữa/ngày, nên cùng với chất lượng dinh dưỡng, nhà trường luôn chú trọng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Nhà trường đã ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với các tổ chức, cá nhân có uy tín, đủ cơ sở pháp lý để kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm ngay từ đầu vào, đảm bảo chất lượng, tươi ngon, an toàn, đủ số lượng và công khai. Khu vực bếp ăn của nhà trường được xây dựng theo quy trình vận hành “một chiều”, chia thành các khu riêng biệt như: Khu đựng nguyên liệu, khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn đã nấu chín; được trang bị đầy đủ dụng cụ chế biến thực phẩm; dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín được bố trí riêng biệt và được vệ sinh sạch sẽ, xếp gọn gàng, ngăn nắp.

Để đảm bảo trẻ có bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng và đảm bảo an toàn thực phẩm, phụ huynh học sinh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát chất lượng bữa ăn. Năm học này, nhiều trường học đã mời đại diện phụ huynh tham gia kiểm tra và góp ý cải tiến quy trình chế biến. Anh Vi Văn Hiếu, phụ huynh đang có con theo học tại Trường Mầm non 19 – 5, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Vừa qua, tôi được nhà trường mời tham gia kiểm tra bếp ăn, khẩu phần ăn của trẻ cùng với các phục huynh khác có con theo học tại nhà trường. Tôi cùng các phụ huynh khác được chứng kiến quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm rất nghiêm túc, bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, thực phẩm tươi ngon đúng theo tiêu chuẩn bữa ăn của trẻ. Qua đó, tôi cảm thấy rất yên tâm.
Bên cạnh sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của ngành giáo dục, công tác kiểm tra đảm đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được các đơn vị như Sở Y tế, Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn phối hợp thực hiện. Cụ thể, từ đầu năm 2025 đến nay, Phòng y tế các huyện, thành phố trên địa bàn đã phối hợp với các đơn vị như: Trung tâm Y tế huyện, thành phố; các Đội quản lý thị trường thuộc Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn và các phòng, ban chuyên môn liên quan thành lập 11 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra hơn 100 bếp ăn trường học. Việc kiểm tra được triển khai định kỳ kết hợp đột xuất, tập trung vào các điểm trường có số lượng học sinh ăn bán trú lớn và các khu vực vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Ông Nguyễn Nam Dũng, Phó Trưởng phòng An toàn thực phẩm, Sở Y tế Lạng Sơn cho biết: Chúng tôi đã tham mưu Sở Y tế thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 3 trường điểm trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, huyện Hữu Lũng và Bình Gia trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm (15/4 – 15/5/2025). Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục kiểm tra đột xuất các trường học có bếp ăn tập thể để kịp ngăn ngừa nguy cơ mất ATVSTP trong trường học.
Công tác kiểm tra, đảm bảo ATVSTP đối với các bếp ăn trường học đã và đang được quan tâm, tăng cường với sự tham gia của các cấp, ngành, lực lượng chức năng và đặc biệt là phụ huynh học sinh. Đây là giải pháp thiết thực giúp nâng cao hiệu quả phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe học sinh trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm học đường.
Triệu Thành