Theo đó, đây là nội dung được nêu trong kế hoạch tái cấu trúc mạng lưới xe buýt kết nối các nhà ga metro số 1 đang được trung tâm hoàn thiện.

Cụ thể, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hồ Chí Minh đề xuất mở mới 22 tuyến; trong đó có 3 tuyến liên tỉnh và 19 tuyến nội thành.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: Tiến Lực)

Trong 3 tuyến liên tỉnh, có 2 tuyến kết nối với tỉnh Bình Dương (Bến xe Củ Chi - Dĩ An - Bến xe miền Đông mới; Bến xe Bến Cát - Bến xe miền Đông mới); 1 tuyến kết nối tỉnh Đồng Nai (Bến xe miền Đông mới - Khu du lịch Giang Điền).

Đối với tuyến nội thành, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đề xuất mở mới 19 tuyến kết nối các khu dân cư, trường đại học như Trường Đại học Nông Lâm, Sư phạm Kỹ Thuật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Vinhomes Grand Park, khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, Masteri An Phú… đến các nhà ga tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.

Cùng với mở mới các tuyến xe buýt, thành phố cũng triển khai đầu tư hạ tầng phục vụ với đề xuất làm mới 230 vị trí điểm dừng và các cơ sở hạ tầng phục vụ kết nối xe buýt thuộc phạm vi các nhà ga trên cao như bãi đậu xe cá nhân, lối đi bộ... Điều này nhằm tạo thuận lợi cho hành khách đi metro số 1.

Ngoài những tuyến đề xuất mở mới, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, rà soát và lập phương án tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt hiện hữu dọc hành lang Xa lộ Hà Nội. Theo đó, trung tâm giữ nguyên hiện trạng 11 tuyến (2 tuyến liên tỉnh và 9 tuyến nội thành); ngưng hoạt động 2 tuyến và điều chỉnh lộ trình 15 tuyến.

Với những đề xuất này, toàn bộ 14 nhà ga tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đều có các tuyến xe buýt kết nối. Nhà ga trung tâm Bến Thành là khu vực có số lượng tuyến xe buýt kết nối nhiều nhất với 29 tuyến; ga Nhà hát thành phố có 14 tuyến; ga Đại học Quốc gia thành phố có 12 tuyến…

Hoàng Bách