Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước quan tâm và sớm có chủ trương cho phép khai thác khoáng sản (cát xây dựng, cát đắp nền) tại khu vực hồ Dầu Tiếng để phục vụ cho dự án đường Vành đai 3.

Một đoạn đường Vành đai 3 đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Một đoạn đường Vành đai 3 đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Ảnh: NLĐO)

UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin về các mỏ cát khu vực hồ Dầu Tiếng (giấy phép khai thác, giấy phép thăm dò, trữ lượng quy hoạch, trữ lượng khai thác, thông tin về chủ mỏ cát); phối hợp và hỗ trợ với tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án đường Vành đai 3 khảo sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng nguồn cát khu vực hồ Dầu Tiếng.

Thời gian qua, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với sở tài nguyên môi trường các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, An Giang và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án) rà soát, khảo sát khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có thể cung cấp cho dự án.

Theo ước tính, khối lượng vật liệu xây dựng thông thường cần thiết cho dự án, bao gồm: Đất đắp nền đường khoảng 1,6 triệu m3; cát đắp nền đường khoảng 7,2 triệu m3; cát xây dựng khoảng 1,5 triệu m3; đá xây dựng khoảng 4,4 triệu m3.

Qua quá trình làm việc cho thấy, vật liệu đá xây dựng, cát xây dựng và đất đắp nền đường đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của dự án. Tuy nhiên, nhu cầu về cát đắp nền đường còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp...

Hoàng Bách