UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các sở ban ngành, địa phương quán triệt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông.
Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông, ký cam kết "đã uống rượu, bia - không lái xe"; tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật cá nhân thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định.
Trường hợp vi phạm nồng độ cồn, cơ quan công an xử lý vi phạm phải gửi thông báo về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định.
"Nghiêm cấm đảng viên, cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị can thiệp vào việc xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn", văn bản nêu rõ.
Thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Công an TP. Hồ Chí Minh có trách nhiệm tăng cường tuần tra kiểm tra, thường xuyên tổ chức kiểm soát nồng độ cồn, tổng kiểm soát phương tiện ô tô vận tải hành khách, hàng hóa liên quan đến nồng độ cồn, ma túy.
Cơ quan cảnh sát điều tra tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông, trong quá trình điều tra phải xác định nồng độ cồn, ma túy của người lái xe.
UBND TP. Hồ Chí Minh cũng giao Sở Nội vụ phối hợp Công an TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận thông tin cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông; đồng thời nghiên cứu, đề xuất đưa nội dung này vào các tiêu chí để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân, cũng như kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cán bộ vi phạm và người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Chính quyền quận, huyện rà soát, làm việc với các cơ sở kinh doanh có điều kiện phát sinh vi phạm về nồng độ cồn trên địa bàn để phối hợp tuyên truyền, vận động có biện pháp phù hợp để người đã sử dụng rượu, bia không lái xe.
Phong Vân