Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, đề án nêu các chính sách để thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối, như định hướng nguồn kiều hối tham gia vào thị trường tài chính (thị trường chứng khoán, cổ phiếu...) hình thành kênh dẫn vốn từ người nhận kiều hối với mục đích tiết kiệm đến người kinh doanh. Hỗ trợ chuyển vốn từ người không có cơ hội đầu tư sinh lợi đến những người có cơ hội đầu tư sinh lợi.

Định hướng huy động nguồn kiều hối vào kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, bán các tài sản công… đồng thời, hỗ trợ kết nối các tổ chức tài chính, công ty kiều hối nhằm đa dạng hình thức chuyển tiền tại các thị trường tiềm năng lớn, các nước có đông người Việt Nam lao động, sinh sống, kết hợp mở rộng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài chuyển kiều hối về Việt Nam.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: Internet)

TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét cho phép người nước ngoài có gốc Việt Nam không cư trú ở Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng được mở tài khoản, được lựa chọn giữ tiền gửi bằng ngoại tệ hoặc bằng Việt Nam đồng được chuyển gốc và lãi bằng ngoại tệ đã chọn.

Các tổ chức tài chính, công ty kiều hối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ nghiên cứu đề xuất xây dựng 3 sản phẩm “tài khoản song song”, một trong các tài khoản được dùng để gửi tiền về cho gia đình tại thành phố và người thân của họ tại thành phố được toàn quyền sử dụng tài khoản đó. Tài khoản thứ hai chỉ người Việt Nam ở nước ngoài mới có thể truy cập và có thể được sử dụng để tích lũy tiền cho đầu tư sau này.

TP. Hồ Chí Minh cũng đưa ra giải pháp hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối như: quỹ kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất vừa và nhỏ, quỹ đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài... để hỗ trợ các nhà đầu tư người Việt từ nước ngoài quay về lập nghiệp, kinh doanh trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối.

Đề xuất phát hành trái phiếu với thời hạn 5 năm hoặc 10 năm nhằm thu hút nguồn kiều hối tham gia đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế.

UBND TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, sẽ đề xuất chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng phát triển thành phố phù hợp với tình hình, điều kiện khách quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Qua đó, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ, duy trì ổn định nguồn kiều hối để tham gia đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đề xuất thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài an toàn và hiệu quả nhằm thu hút thêm nguồn kiều hối mới; chủ trương mở tài khoản cho người nước ngoài có gốc Việt Nam không cư trú ở Việt Nam nói chung mở tài khoản và lựa chọn giữ tiền gửi bằng ngoại tệ hoặc bằng Việt Nam đồng được chuyển gốc và lãi bằng ngoại tệ đã chọn.

TP. Hồ Chí Minh thống kê có khoảng 2,8 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có liên hệ với TP. Hồ Chí Minh, trên tổng số khoảng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. TP. Hồ Chí Minh là trung tâm thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước.

Từ năm 2012 đến 2023, lượng kiều hối về TP. Hồ Chí Minh qua các kênh ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế, công ty kiều hối đạt hơn 65 tỷ USD, tăng trung bình 3% - 7%/năm.

Năm 2023, kiều hối về TP. Hồ Chí Minh đạt 9,5 tỷ USD (tương đương 228.000 tỷ đồng). 6 tháng đầu năm 2024, con số này là 5,18 tỷ USD. So với các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư gián tiếp hay trực tiếp từ nước ngoài, thì nguồn kiều hối có giá trị ổn định cao, lại không đi kèm những điều kiện khắt khe trong đầu tư… Tuy nhiên, TP. Hồ Chí Minh đánh giá, thành phố chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút và phát huy nguồn lực này.

Hoàng Bách (t/h)