THCL Năm 2017, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh tăng cường thu thập thông tin, phân tích chuyên sâu các rủi ro về thuế, tiếp tục triển khai các chuyên đề thanh tra kiểm tra vào các lĩnh vực có rủi ro cao.

Trong đó, thực hiện thường xuyên và nâng cao hiệu quả chuyên đề giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ, hoạt động kinh doanh có dấu hiệu chuyển giá.

Triển khai mạnh mẽ hơn đối với lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, chuyển nhượng vốn, DN có ưu đãi, miễn giảm, kinh doanh xăng dầu đầu mối; tiếp tục và mở rộng rà soát, xử lý ô tô nhập khẩu là quà biếu, quà tặng, đẩy mạnh rà soát, xử lý đối với kinh doanh các mặt hàng chịu thuế TTĐB.

Triển khai chống thất thu đối với kinh doanh du lịch theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế, tại Công văn 5536/TCT-TTR ngày 29/11/2016.

TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường chống gian lận thuế - Hình 1

Ảnh minh họa

Các giải pháp đặt ra, như: Quán triệt đến tất cả công chức thuế nói chung và công chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra nói riêng thực thi công vụ phải chấp hành đúng quy định pháp luật, tuân thủ nghiêm quy trình của ngành thuế, ứng xử văn minh, không thực hiện các hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực đối với người nộp thuế, cần phải nghiên cứu nắm bắt kỹ chính sách để giải thích, hướng dẫn tận tình cho người nộp thuế, hướng đến xây dựng ngành Thuế “ Minh Bạch – Chuyên nghiệp – Liêm chính – Đổi mới”.

Chỉ đạo, phân công, phân bổ nhiệm vụ một cách khoa học, phù hợp với nguồn nhân lực hiện có để đảm bảo thực hiện tốt chỉ đạo của Tổng cục Thuế và đạt hiệu quả cao nhất. Các phòng và công chức thanh tra, kiểm tra phải luôn học hỏi, rèn luyện kỷ năng, năng cao và phát huy năng lực để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Thực hiện đúc kết kinh nghiệm thanh, kiểm tra các chuyên đề, xây dựng thành cẩm nang thanh, kiểm tra các chuyên đề dễ tham khảo, phổ biến đến các đơn vị và CBCC thanh tra, kiểm tra để nghiên cứu, tham khảo áp dụng trong thực tiễn.

Thực hiện tốt Quy chế giám sát các đòan thanh kiểm tra nhằm giúp các đoàn thanh tra, kiểm tra làm tốt nhiệm vụ, hạn chế tối đa sai sót trong quá trình thanh, kiểm tra. Các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát các đoàn thanh tra, kiểm tra thông qua việc theo dõi chặt chẽ thực hiện quy trình, nội dung thanh tra, kiểm tra đảm bảo theo quy định luật pháp.

Thực hiện tốt công tác đôn đốc thu nộp kịp thời sau thanh tra, nhập đầy đủ thông tin một cuộc thanh kiểm tra vào chương trình TTR. Rà soát đối tượng quản lý trong địa bàn, nắm chắc đối tượng thực hiện phân tích rủi ro đưa vào kế hoạch thanh, kiểm tra đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt, cần hoàn thiện một số cơ chế, chính sách như: Đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và Hộ kinh doanh ngành ăn uống, dịch vụ cao cấp phải sử dụng máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế, sử dụng hóa đơn điện tử để xác định chính xác doanh thu thực tế phát sinh.

 Để khuyến khích người tiêu dùng lấy đủ hóa đơn khi sử dụng Dịch vụ, Ăn uống, Tổng cục Thuế nghiên cứu chính sách đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng như: chấp nhận một số chi phí được trừ có hóa đơn khi tính thuế TNCN hoặc hoàn một phần thuế VAT cho người tiêu dùng khi có hóa đơn…

Có quy chế phối hợp giữa Bộ Thông tin Truyền thông với Tổng cục Thuế quy định về cung cấp, trao đổi thông tin giữa bưu điện tỉnh, thành phố, các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng cho các công ty bán hàng qua mạng với cục thuế tỉnh, thành phố.

Gia Linh