Thực tế hiện nay, hiện tượng gian lận thuế, trốn thuế vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Trong khi đó, còn quá nhiều kẽ hở vô tình “tiếp tay” cho các sai phạm này.
Thủ đoạn tinh vi
Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, không ít DN đã và đang tìm mọi thủ đoạn nhằm gian lận thuế.
Vừa qua, Tổng cục Thuế nhận được các thông tin về giao dịch đáng ngờ do cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chuyển sang. Qua xử lý thông tin, đã phát hiện hiện tượng một số cá nhân, DN lợi dụng việc chuyển tiền thanh toán qua ngân hàng nhằm thực hiện hành vi mua, bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) trốn thuế và chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước.
Bên cạnh đó là hiện tượng DN sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Lợi dụng sự thông thoáng của Luật DN về thủ tục thành lập DNvà sự thông thoáng về in và sử dụng hóa đơn, một số đối tượng đã thành lập DNvới mục đích in và bán hóa đơn gây rủi ro trên thị trường, thất thu NSNN. Các DN này thường là DN nhỏ, được thành lập và hoạt động trong thời gian ngắn, sau đó giải thể hoặc bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh. Thời gian qua, các tội phạm về kinh tế được đưa ra xét xử chủ yếu liên quan đến hành vi chiếm đoạt tiền thuế thông qua việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Để hạn chế tình trạng các DN thành lập với mục đích in và bán hóa đơn, Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc in, phát hành và sử dụng hóa đơn. Tuy nhiên, đối với các đối tượng này, các cục thuế vẫn phải tập trung kiểm tra để tránh hiện tượng bán khống hóa đơn.
Gian lận về hoàn thuế cũng là một hiện tượng khá phổ biến hiện nay. Lợi dụng cơ chế xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới đất liền, chính sách thanh toán biên mậu, cơ chế miễn kiểm tra hải quan hoặc kiểm tra theo tỷ lệ (phân luồng xanh) đối với hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch, mua hóa đơn của các DN ma, siêu thị… hợp thức hóa đầu vào để lập hồ sơ xuất khẩu khống một phần hoặc toàn bộ hàng hóa nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ NSNN.
Đặc biệt, thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại cũng “góp phần” không nhỏ vào bức tranh gian lận thuế nói chung. Một số DN nhập lậu các mặt hàng thuế nhập khẩu cao, sau đó mua hóa đơn của DN ma để hợp thức hóa đầu vào và hợp thức hóa thủ tục thanh toán qua ngân hàng, gây thất thu thuế GTGT khâu nhập khẩu, thuế nhập khẩu và các khoản nộp NSNN.
Gian nan đấu tranh
Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế cho biết, công tác đấu tranh với các hành vi gian lận thuế, trốn thuếđang gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ nhất, về chính sách, thủ tục thành lập DN thông thoáng, cơ chế phát hành, quản lý, tự in hóa đơn; hình thức xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới đất liền (nhất là qua cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở), chính sách thanh toán biên mậu… đã tạo điều kiện xuất hiện nhiều “DN ma” cùng nhân thân để thực hiện hành vi mua bán hóa đơn lòng vòng khó kiểm soát; xuất khẩu khống một phần hoặc toàn bộ hàng hóa; tạo chứng từ thanh toán qua ngân hàng để được khấu trừ thuế đầu vào, hoặc đủ điều kiện để hoàn thuế GTGT xuất khẩu qua biên giới đất liền... gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý thuế nói chung và công tác thanh tra, kiểm tra thuế nói riêng.
Điều đáng nói, mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra thuế liên quan đến nhiều sắc thuế. Trong khi đó, các cuộc thanh tra, kiểm tra đều quy định thời hạn cụ thể, mặt khác chính sách thuế còn liên quan đến nhiều cơ chế khác, nhiều hệ thống văn bản pháp quy và các văn bản pháp quy này thường không đồng nhất nên rất phức tạp, gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế, nhất là công tác xử lý vi phạm qua thanh tra, kiểm tra.
Thêm vào đó, cơ quan thuế chưa có chức năng điều tra cũng là khó khăn không nhỏ cho ngành trong đấu tranh với các hành vi vi phạm này. Hàng năm, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế phát hiện các gian lận, vi phạm về thuế đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an đề nghị phối hợp điều tra, khởi tố, nhưng số vụ việc được điều tra xử lý còn ít, chiếm một phần rất nhỏ trong số vụ việc cơ quan thuế chuyển sang, chưa tạo tính răn đe, tính kịp thời trong xử lý vi phạm.
Tăng cường quản lý
Được biết, thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/03/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Tổng cục Thuế đã rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp quy, thực hiện và báo cáo Chính phủ thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp. Tổng cục đã báo cáo Bộ Tài chính và đề xuất sửa đổi các văn bản pháp quy (luật, nghị định, thông tư của Bộ Tài chính) để đơn giản hóa chính sách và thủ tục; hạn chế những khác biệt về quy định giữa thuế và kế toán DN; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đến cuối năm 2014 đạt trên 95% DN khai thuế điện tử; đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra kiểm tra để ngăn chặn, chống thất thu thuế; thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý thuế; kiểm soát nội bộ, giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan thuế, cán bộ thuế.
Ngoài ra, ngành thuế tăng cường quản lý rủi ro theo lĩnh vực, ngành nghề rủi ro cao (lĩnh vực hoàn thuế GTGT, quản lý hóa đơn…). Công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế tiếp tục được triển khai hiệu quả trong năm 2014. Tổng cục Thuế đã chỉ đạo toàn ngành tập trung rà soát các DN có rủi ro cao về thuế để ngăn chặn các hành vi gian lận; tổ chức hội nghị toàn ngành phổ biến cách thức nhận biết và phát hiện các hành vi gian lận hoàn thuế.
Ngành thuế đã tham mưu cho Bộ Tài chính ban hành các văn bản chỉ đạo cục thuế, cục hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các DN có rủi ro cao về thuế, tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT đối với hàng nông sản, hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền. Trong đó, yêu cầu cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra hàng hóa xuất khẩu đối với các DN xuất khẩu qua biên giới đất liền có rủi ro cao và xác nhận thực xuất trước khi thông quan làm căn cứ cho cơ quan thuế xem xét hoàn thuế GTGT. Đồng thời, tham mưu cho Bộ Tài chính xây dựng thông tư quy định áp dụng quản lý rủi ro, đưa ra nguyên tắc tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
Để công tác đấu tranh với trốn thuế, gian lận thuế đạt kết quả cao hơn, thời gian vừa qua, Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp với Tổng cục Cảnh sát thực hiện Quy chế phối hợp số 1527/QCPH-TCT-TCCS về đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế; phối hợp với cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (Cục Phòng chống rửa tiền) để trao đổi thông tin về các giao dịch thanh toán qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ của một số DN. Sự phối hợp giữa các đơn vị đã thu được những kết quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế. Thời gian tới, ngành thuế và các đơn vị, ban ngành có liên quan cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được; đề ra kế hoạch, giải pháp nhằm phát hiện sớm các hành vi vi phạm mới.
Ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong đấu tranh chống gian lận thuế, trốn thuế. Song, việc này khó hay dễ và kết quả đến đâu, rất cần sự quyết liệt từ chính các cơ quan này.
Thanh Hà - phan chinh