Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Lao động -Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố và UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật An toàn, vệ sinh lao động, Nghị định số 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn liên quan; triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra, điều tra tai nạn lao động theo đúng quy định; nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.
Đồng thời, tăng cường khả năng phân tích, dự báo, cập nhật kịp thời tình hình an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức tuyên truyền bằng các ấn phẩm chuyên đề chuyên sâu với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp nhằm phục vụ kịp thời, đáp ứng được các yêu cầu đề ra trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố và các cấp, các ngành.
Giao Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng, trong đó lưu ý đến các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, các nhà thầu tư nhân không có pháp nhân; kiên quyết xử lý vi phạm, đình chỉ thi công đối với các nhà thầu không tuân thủ đúng các quy định về an toàn lao động trong công trình xây dựng.
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố; tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, đảm bảo môi trường lao động, điều kiện lao động cũng như các chế độ cho người lao động; tham mưu xây dựng các chế độ, chính sách vệ sinh lao động phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Ngoài ra, Sở Y tế phối hợp với UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức và các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố; kiên quyết xử lý đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh lao động.
Đối với các đơn vị, doanh nghiệp và người sử dụng lao động trên địa bàn thành phố, phân công người có đầy đủ chuyên môn, năng lực và có các chứng chỉ phù hợp quy định làm cán bộ giám sát an toàn theo đúng quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động tại công trình để đề ra biện pháp loại trừ, giảm thiểu các mối trước khi phân công công nhân làm việc.
Tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và hướng dẫn những quy định biện pháp làm việc an toàn cho người lao động theo đúng quy định.
Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động và có biện pháp kiểm tra, giám sát buộc người lao động sử dụng đúng và đầy đủ các phương tiện, trang bị bảo vệ cá nhân đã được cấp phát…
Đối với người lao động, chấp hành nghiêm các nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; tuân thủ các giao kết về an toàn, vệ sinh lao động.
Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động; chủ động tham gia cấp cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động.
Tham dự các khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để có thể nhận diện các nguy cơ, rủi ro, các yếu tố nguy hiểm từ đó nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn lao động cho bản thân; kiên quyết từ chối làm việc khi các điều kiện an toàn lao động chưa được đảm bảo…
PV