Ông Hoàng Phúc Dũng, Phó Phòng khai thác quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc thi công mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 cơ bản đã được thực hiện, chỉ còn một đoạn đang bị vướng do chưa có mặt bằng sạch.

Theo ông Hoàng Phúc Dũng, trong phạm vi Xa lộ Hà Nội đang có 4 dự án được thực hiện.

Trong đó, dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 (đoạn từ ngã ba Trạm Hai cũ đến nút giao Tân Vạn) do Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII) làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài của tuyến là 15,7km.

Chiều dài này, tính từ cầu Sài Gòn đi qua thành phố Thủ Đức và đến phạm vi tiếp giáp nút giao Tân Vạn, thuộc TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: Internet)

Quy mô thực hiện của dự án là nâng cấp, mở rộng đường chính và hai đường song hành mới hai bên. Tính đến nay, tiến độ thi công cơ bản hoàn thành. Riêng khoảng 400m thuộc địa bàn phường Tân Phú, gần khu vực Khu du lịch văn hóa Suối Tiên và khu vực gần cầu Rạch Chiếc, phường Phước Long A vướng đền bù giải phóng mặt bằng cho 29 hộ dân.

Đối với phân đoạn quốc lộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương từ Bến xe Miền Đông mới cho đến nút giao Tân Vạn với tổng chiều hơn 2km, ông Dũng cho biết, hiện đã thi công hoàn chỉnh phần mặt đường chính hiện hữu từ năm 2018 đến nay. Khu vực đường song hành bên phải trước Bến xe Miền Đông, phần mặt đường chính mở rộng và đường song hành hai bên, trừ phạm vi 500m của Bến xe Miền Đông mới đến nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng.

Cũng theo ông Dũng, các dự án còn lại do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố làm chủ đầu tư. Trong đó, dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng xa lộ Hà Nội đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương để tạo quỹ đất mở rộng cho xa lộ Hà Nội hiện đã chi trả và bàn giao được 152/298 trường hợp.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, lưu lượng xe qua trạm BOT Xa lộ Hà Nội trong tháng 9 là trên 930.000 phương tiện.

“Hiện nhà đầu tư dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 đang thực hiện điều chỉnh dự án và sẽ cân đối nguồn vốn để tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Về chi phí bồi thường, do quá trình bồi thường kéo dài nên chi phí bồi thường là nguyên nhân chính dẫn đến cái chênh lệch giá bồi thường giữa khu vực Bình Dương và khu vực TP. Hồ Chí Minh” – ông Hoàng Phúc Dũng nhấn mạnh.

Hoàng Bách (t/h)