TP. Hồ Chí Minh: Tội phạm công nghệ cao thay đổi “kịch bản” lừa đảo mới - Hình 1

Băng nhóm lừa qua điện thoại bị bắt giữ

Tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại VoIP mạo danh điều tra viên, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án sau thời gian tạm lắng, gần đây phức tạp trở lại. Tội phạm này đã thay đổi “kịch bản” lừa đảo, cách thức chiếm đoạt tiền.

Trước đây, kẻ lừa đảo gọi đến điện thoại bàn thông báo nạn nhân nợ cước điện thoại, rồi giả danh công an, đe dọa nạn nhân chuyển tiền, rút chiếm đoạt thì nay chúng gọi đến thông báo chủ thuê bao đang có bưu phẩm; món hàng chuyển phát nhanh phải thanh toán phí hoặc đang nợ một khoản tiền tại ngân hàng… Nếu không thanh toán thì sẽ bị trừ tiền gửi tại các ngân hàng. Rồi chúng chuyển máy kết nối với đồng bọn giả danh công an, nói đang điều tra vụ án ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia… như “kịch bản” cũ trước đây. Điển hình, khoảng 9 giờ ngày 13/7/2018, bà N.T.T.M (ngụ Q.2) nhận cuộc gọi vào điện thoại bàn, báo bà có bưu kiện chưa lãnh và đề nghị bấm số theo chỉ dẫn để nhận được thông báo hướng dẫn. Theo hướng dẫn, bà M. lại nhận được thông báo có một thẻ tín dụng của ngân hàng ghi nợ hơn 36,8 triệu đồng và đề nghị liên hệ Công an TP.Hà Nội để được giải quyết, nếu sau 2 giờ không liên hệ sẽ bị khóa tài khoản. Chúng dọa bà M. liên quan đến đường dây rửa tiền, nhận 20% của số tiền rửa 21 tỉ đồng và có lệnh bắt bà M., phong tỏa tài khoản. Hoảng sợ, bà M. chuyển cho chúng 1,9 tỉ đồng. Khi bọn chúng rút được hơn 500 triệu đồng thì nạn nhân mới sực tỉnh mình bị lừa, báo công an phong tỏa, ngăn chặn.

Theo ghi nhận của PC46 Công an TP.HCM, hiện tội phạm này không chỉ gọi vào điện thoại bàn mà còn nhắn tin hoặc gọi vào ĐTDĐ thông báo khách hàng nợ cước, sau đó sử dụng “kịch bản” lừa đảo cũ chiếm đoạt tài sản. Ngày 19/4/2018, ĐTDĐ của chị L.T.U (30 tuổi, ngụ Đà Nẵng, quản lý khách sạn) nhận cuộc gọi của một người tự xưng là nhân viên viễn thông báo nợ, rồi giả Công an TP.HCM đe dọa yêu cầu chị U. chuyển cho chúng 1 tỉ đồng.

Kẻ lừa đảo còn nghĩ ra phương thức chuyển tiền mới, khiến nạn nhân tưởng tiền chuyển vào tài khoản của mình không thể mất được. Sau khi “con mồi” cắn câu, bọn chúng hướng dẫn nạn nhân ra một ngân hàng khác mở tài khoản do chính mình đứng tên, đồng thời đăng ký dịch vụ internet banking cho tài khoản mới mở này bằng số điện thoại do chúng cung cấp. Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản vừa mở để kiểm tra, xác minh, giám định số tiền này do liên quan đến đường dây tội phạm hay không. Đồng thời yêu cầu nạn nhân cung cấp toàn bộ tên đăng nhập (username) và mã kích hoạt để giám sát tài khoản này. Từ đó, chúng đăng nhập chuyển tiền sang tài khoản khác bằng internet banking. “Với phương thức, thủ đoạn này, nạn nhân tưởng tiền vẫn trong tài khoản đứng tên mình nên mất cảnh giác. Khi khách hàng đến giao dịch chuyển/nộp tiền vào tài khoản của chính khách hàng, nhân viên ngân hàng cũng không nghĩ lừa đảo gì. Có trường hợp, chúng còn dùng chính tài khoản do chính người bị hại mở để làm tài khoản trung chuyển tiền do lừa đảo”, một trinh sát của PC46 cho hay.

Như vụ ông T.K.Đ (ở TP.HCM) mới đây, bị chúng dẫn dụ mở tài khoản ngân hàng và rút 2,49 tỉ đồng nộp vào tài khoản vừa mở, rồi chúng dùng internet banking chuyển tiền sang tài khoản khác và chiếm đoạt.

TP. Hồ Chí Minh: Tội phạm công nghệ cao thay đổi “kịch bản” lừa đảo mới - Hình 2

Đại gia “dởm” giăng bẫy “tình” lừa đoạt tiền và bị bắt giữ

Theo nhận định của Công an TP.HCM, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức “bẫy” tình cũng gia tăng trở lại. Trước đây, chủ yếu thông qua Facebook, Zalo, e-mail; nay chúng dùng cả Viber, Line, Tango, Wechat… giả danh “cậu ấm” hưởng thừa kế hàng trăm triệu đô la, thương gia nổi tiếng… là người nước ngoài để nhắn tin làm quen, giao lưu, kết bạn, đặt vấn đề tình cảm.

Sau đó, bọn chúng thể hiện sự giàu có, phóng khoáng vờ chuyển tiền, quà có giá trị lớn về VN, rồi liên lạc qua e-mail, điện thoại để dẫn dụ nạn nhân chuyển tiền thanh toán cước phí vận chuyển, tiền thuế, phí hải quan cho chúng rút chiếm đoạt. Ngày 15/5/2018, bà T. (ngụ Q.Tân Phú) đến PC46, Công an TP.HCM trình báo, khoảng tháng 3/2018, qua mạng xã hội Tango, bà T. kết bạn với người có nickname Hilton Kip Morgan, tự xưng là người thừa kế hàng trăm triệu USD, muốn chuyển tiền về VN đầu tư kinh doanh và làm từ thiện. Sau một thời gian “yêu” trên mạng, tháng 5/2018, Hilton hứa cưới bà T., sau đó kiếm cớ mượn đỡ tiền. Bà T. sau 7 lần chuyển tiền cho Hilton với hơn 134 triệu đồng mới biết bị lừa.

Theo các cán bộ điều tra, công tác đấu tranh, điều tra truy xét với những tội phạm lừa đảo này có những khó khăn so với trước đây. Vì kẻ lừa đảo thay đổi phương thức thủ đoạn, đó là yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào tài khoản cá nhân ở tỉnh, thành phố khác (không chuyển vào tài khoản và rút tiền tại TP.HCM như trước đây) và rút tiền mặt hoặc sử dụng internet banking chuyển tiền sang tài khoản khác, sau đó mới rút. Hiện nay, hầu hết chúng mở tài khoản và rút tiền tại khu vực các tỉnh biên giới phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh hay cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh)… để có thể nhanh chóng tẩu thoát sang biên giới khi bị phát hiện. Nhiều trường hợp bọn chúng thuê và mua thẻ ATM của người dân tộc thiểu số ở tỉnh miền núi phía bắc hoặc sử dụng các tài khoản ATM của cá nhân có chức năng thu đổi ngoại tệ tại các tỉnh giáp ranh biên giới Việt - Trung để chuyển và rút tiền lừa đảo được.

Nhiều trường hợp bọn chúng còn sử dụng thẻ ngân hàng (thẻ ghi nợ) để rút tiền do lừa đảo được ở nước ngoài (Trung Quốc, Campuchia, Malaysia...), cộng thêm tình trạng sử dụng giấy tờ giả để mở tài khoản ngân hàng, thông tin giả để đăng ký thuê bao ĐT đang ngày càng phổ biến nên gây khó khăn cho việc truy xét.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn của Công an TP.HCM, nhấn mạnh: “Để ngăn chặn tội phạm công nghệ cao, tới đây Công an TP tăng cường tuyên truyền thủ đoạn lừa đảo; tập trung lực lượng điều tra, truy xét, xác minh làm rõ để truy bắt các đối tượng chủ mưu tại VN, nhất là các đối tượng người nước ngoài cầm đầu. Phối hợp, hướng dẫn công an quận, huyện cách thức điều tra nhằm khám phá nhanh và đạt hiệu quả; phối hợp các phòng nghiệp vụ an ninh, công an các tỉnh, thành để phát hiện, theo dõi giám sát đối tượng phạm tội; phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn TP cùng tham gia đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao…”.

PC46 cũng đề nghị Tập đoàn bưu chính viễn thông VN (VNPT) và VNPT TP.HCM hỗ trợ như: nhân viên tổng đài 1080 tại TP.HCM cũng như của các đơn vị, địa phương nắm rõ phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo như trên, để có thể cảnh giác cho người dân về những cuộc gọi nghi ngờ

Hằng Vương T/h