Theo đó, để chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị trường học chủ động rà soát phương án ứng phó, phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn về người, tài sản, cơ sở vật chất và công trình trường học.
Cụ thể, các trường cần triển khai tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai tại đơn vị, đồng thời rà soát, cập nhật, bổ sung các giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên trong mùa mưa bão.
Các trường học chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện trang thiết bị, vật tư cần thiết để tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo yêu cầu của UBND TP. Hồ Chí Minh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức.
Tất cả đơn vị trường học chủ động tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của trụ sở, rà soát cơ sở vật chất, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống thoát nước, hệ thống điện, máy bơm, tường rào…
Đặc biệt, các trường chú ý gia cố, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão đối với các công trình, hạng mục sử dụng mái tôn, mái che, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn bảng hiệu, bồn chứa nước trên cao; lắp đặt biển cảnh báo, rào chắn, đèn báo hiệu, đèn chiếu sáng những vị trí có nguy cơ xảy ra sự cố tại đơn vị.
Song song đó, các trường tăng cường quản lý cây xanh trong khuôn viên trường, phối hợp với các đơn vị có chức năng để chăm sóc, cắt tỉa, đốn hạ kịp thời cây xanh có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm cho người và công trình, đảm bảo mỹ quan môi trường sư phạm.
Khi có sự cố thiên tai xảy ra, trường học phải huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị để nhanh chóng xử lý sự cố, khắc phục hậu quả thiên tai, khẩn trương cứu hộ, cứu nạn cho người và tài sản.
Phong Vân