Đó là phát biểu của ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. Hồ Chí Minh tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch trên địa bàn, diễn ra vào chiều ngày 7/10.

Nhân viên Siêu thị Co.opXtra Tân Phong (quận 7, TP.HCM)
Nhân viên Siêu thị Co.opXtra Tân Phong, quận 7, TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Giang)

Theo đó, thông tin tại buổi họp báo, liên quan đến đánh giá hiệu quả sau một tuần thực hiện bình thường mới, ông Phạm Đức Hải cho biết, đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh hoạt động trở lại, đáp ứng nhu cầu người dân, tạo nhiều việc làm. Công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố cũng đạt nhiều kết quả tích cực”.

Theo ông Hải, đến nay, đã có thêm 3 đơn vị được đề nghị công nhận kiểm soát dịch là quận 4, quận Bình Thạnh và huyện Hóc Môn. Như vậy, đã có 20 quận huyện và TP. Thủ Đức được đề nghị công nhận kiểm soát dịch. Còn lại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh chưa được đề nghị công nhận.

Bên cạnh đó, số lượng lao động cũng như doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao hoạt động trở lại ngày càng tăng. Trong 3 ngày, từ ngày 1 - 3/10, có 5.279 doanh nghiệp hoạt động trở lại, đến ngày 6/10 có 9.200 doanh nghiệp.

Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, trước ngày 1/10 có 70.000/288.000 lao động hoạt động (chiếm 24,3%), có 746/1.412 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 52,8%). Đến 6/10, có 164.000/288.000 lao động làm việc (đạt 56,8%) và có 972/1.412 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại (đạt 68,8%).

Tại khu công nghệ cao, trước ngày 1/10, có 25.000/50.000 công nhân làm việc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, qua 6 ngày, số lao động tăng lên 27.300 công nhân (chiếm 54,6%) và có 88/118 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.

Vậy nên, các hoạt động của cơ sở sản xuất kinh doanh đã thu hút ngày càng nhiều lao động sau khi khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, số lao động ở khu công nghiệp, công nghệ cao chỉ trên 50%, đây là bài toán rất lớn thành phố cần giải quyết. "TP. Hồ Chí Minh luôn trân trọng và ghi nhận người lao động bởi đã góp phần phát triển thành phố và trân trọng mời người lao động ở lại làm việc", ông Phạm Đức Hải chia sẻ.

Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, nếu ai thật sự có nguyện vọng về quê thì Bộ Tư lệnh sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức về quê theo nguyện vọng, đảm bảo ba yêu cầu: Nguyện vọng của người lao động, sức khỏe và phòng chống dịch; ưu tiên người già, phụ nữ mang thai và trẻ em.

Nguyễn Tùng - Hoàng Dương