Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức chương trình “Cảm ơn người lao động”, lãnh đạo thành phố gặp gỡ người lao động năm 2024. Đây là dịp để lãnh đạo thành phố lắng nghe ý kiến, ghi nhận những đóng góp của đội ngũ lao động đang ngày đêm nỗ lực vì sự phát triển của thành phố.

Tại chương trình, lãnh đạo thành phố cùng lãnh đạo Liên đoàn lao động TP. Hồ Chí Minh đã có dịp lắng nghe những chia sẻ của các đoàn viên công đoàn là đại diện của công đoàn các khu công nghiệp, cơ quan,… trên địa bàn thành phố.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu trao đổi là giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người lao động. Ông Nguyễn Văn Thắm, Công ty cổ phần sản xuất nhựa Duy Tân đề xuất, các cấp chính quyền của thành phố tạo điều kiện cho người lao động thuận lợi hơn trong tiếp cận gói nhà ở xã hội để người lao động yên tâm sản xuất.

Các công nhân lao động tiêu biểu của TP. Hồ Chí Minh được trao bằng tuyên dương
Các công nhân lao động tiêu biểu của TP. Hồ Chí Minh được trao bằng tuyên dương (Ảnh: Minh Tâm)

Cùng với nội dung này, ông Trần Anh Kiệt, Công ty TNHH Hitachi Zosen Việt Nam cho rằng, trong công tác quy hoạch, thành phố cần dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Cùng theo ông Trần Anh Kiệt, thành phố cần có khảo sát, đánh giá, đưa các kiến nghị về mức sống tối thiểu tại TP. Hồ Chí Minh để tạo điều kiện thu hút lao động chất lượng gắn bó với doanh nghiệp.

Cùng liên quan đến nơi ở cho công nhân, ông Phạm Quang Thắng, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao kiến nghị, các ban, ngành của thành phố cần tiếp tục vận động các chủ nhà trọ, không tăng giá nhà trọ. Thành phố cũng cần có điều chỉnh mức vay vốn phù hợp để công nhân, người lao động có thể mua được nhà ở xã hội.

Một số ý kiến khác như thành phố cần có giải pháp giải quyết nhu cầu nuôi dạy, học phí cho con em công nhân, tăng tỷ lệ học bán trú tại các cơ sở giáo dục công lập và mở rộng các cơ sở giáo dục nhận chăm nuôi trẻ từ 6 tháng tuổi để công nhân lao động có thêm chỗ gửi con, yên tâm tham gia sản xuất cũng được bàn luận.

Phát biểu tại chương trình, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, thành phố đánh giá cao đội ngũ công nhân, lao động đã có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của thành phố.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh mong muốn, những việc này tiếp tục được phát huy với tinh thần sáng tạo nhiều hơn, đóng góp được nhiều hơn cho thành phố, đất nước. Thành phố cam kết có đầu tư để cải thiện môi trường làm việc, chăm lo cho người lao động được tốt hơn cũng như thực thi các quy định đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động được tốt hơn.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại chương trình
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại chương trình (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Trao đổi về những nội dung được các đại biểu trao đổi tại chương trình, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, các dự án Nhà ở xã hội của thành phố số lượng rất ít do vướng mắc về quy hoạch, đất đai, hiệu quả… nên việc đầu tư của doanh nghiệp chưa nhiều.

Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng cần thực hiện các giải pháp về nhà trọ, nhà cho thuê, nhà ở xã hội.

Đối với vấn đề nhà trọ, thành phố đang cho rà soát lại, yêu cầu chủ nhà trọ làm đạt theo yêu cầu nhất định để điều kiện nhà ở được tương đối. thành phố sẽ có nhóm chính sách để cho các chủ nhà trọ vay tiền sửa sang nhà trọ đảm bảo các yêu cầu tối thiểu cho sinh hoạt, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy... thành phố cũng sẽ nghiên cứu các chính sách có thể hỗ trợ tiền điện, nước, sinh hoạt phí liên quan đến nhà trọ...

Cùng với đó là thành phố sẽ tập trung triển khai nhà cho thuê tại khu vực đông công nhân với mức chi phí hợp lý.  UBND TP giao Sở Xây dựng khẩn trương bàn bạc với Liên đoàn Lao động thành phố để có được dự án này, có thể từ năm sau có được nhà cho thuê.

Về vấn đề nhà ở xã hội, Chủ tịch Phan Văn Mãi chia sẻ, thời gian qua, các dự án nhà ở xã hội của thành phố có số lượng rất ít do vướng mắc về quy hoạch, đất đai, kể cả hiệu quả nên doanh nghiệp đầu tư chưa nhiều.

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng 35.000 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay số lượng đã thực hiện rất ít. Hiện, Thủ tướng Chính phủ có giao cho TP. Hồ Chí Minh 26.200 căn nhà ở xã hội. Thành phố phấn đấu trong năm 2025 thực hiện xây dựng nhà ở xã hội ít nhất đạt được chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao và phấn đấu theo chỉ tiêu của thành phố 35.000 căn. Các dự án hiện tại đã xác định được vị trí. UBND thành phố giao Sở Xây dựng có thông tin để Liên đoàn lao động thành phố thông tin đến công đoàn cơ sở và người lao động.

Liên quan đến chỗ học của con em công nhân, người lao động, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang cố gắng phủ các trường đến các địa bàn. Tuy nhiên, không chỉ thiếu trường, phòng học, còn lệch về thời gian làm việc của công nhân với thời gian các trường nuôi dạy trẻ...

Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ có ý kiến với ngành giáo dục, các quận, huyện, TP. Thủ Đức nghiên cứu có cơ chế chính sách để các cơ sở giáo dục tiếp cận tối đa nhu cầu của người lao động. Về học phí, thời gian qua, đã có miễn giảm ở cấp, đối tượng, các mức khác nhau, thời gian tới sẽ rà soát chính sách này và có đề nghị ở mức cao hơn để các đơn vị liên quan xem xét.

Hoàng Bách (t/h)