Theo Đề án, vị trí dự kiến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, giữa các khu vực có tiềm năng tăng trưởng lớn của châu Á, thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế.
Cảng thuộc vùng kinh tế động lực phía Nam là vùng kinh tế năng động nhất của Việt Nam nên có nhiều thuận lợi để thu hút hàng hóa qua cảng và hàng hóa trung chuyển quốc tế.
Ngoài các yêu cầu về vị trí địa lý chiến lược, điều kiện tự nhiên thuận lợi, yếu tố quan trọng để hình thành, phát triển thành công một cảng trung chuyển quốc tế cần có sự quan tâm của hãng tàu lớn trên thế giới, tham gia hợp tác, đầu tư, khai thác cảng, dịch chuyển nguồn hàng từ các nước trong khu vực về trung chuyển tại cảng.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được định hướng trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP. Hồ Chí Minh và khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Công suất dự kiến đến 2030 đạt 4,8 triệu Teu, đến 2047 đạt 16,9 triệu Teu.
Khi cảng đi vào hoạt động (giai đoạn hoàn thiện), dự kiến đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước khoảng từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng/năm, ước tính sẽ tạo ra việc làm cho 6.000 - 8.000 lao động.
Đồng thời, hoạt động của cảng tạo động lực thúc đẩy phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng khu vực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thúc đẩy sự hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh.
Cảng còn góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam, định vị quốc gia trên bản đồ hàng hải với vai trò là các trung tâm trung chuyển quốc tế của khu vực. Từ đó, thu hút các nhà vận tải, logistics lớn của thế giới, là các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ cho các hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, giảm thiểu các chi phí trung gian.
Dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2/7 khu bến chính). Xây dựng hạ tầng giao thông kết nối cảng dự kiến giai đoạn từ nay đến năm 2030; giai đoạn sau năm 2030, xây dựng phương án cấp điện, nước, thông tin liên lạc, công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác cảng, hạ tầng dịch vụ sau cảng trên cơ sở quy hoạch được duyệt phù hợp với tiến trình đầu tư xây dựng cảng.
Nguồn vốn đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, khu công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác cảng, Trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan bằng nguồn vốn của doanh nghiệp (nhà đầu tư). Còn hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn đầu tư hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác, hạn chế tối đa vốn đầu tư bằng ngân sách nhà nước.
Hoàng Bách