Theo đó, trong đợt khen thưởng này, có 02 đơn vị nhận cờ thi đua của Chính phủ là Bệnh viện Hùng Vương và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh. Hơn 100 đơn vị và cá nhân cũng vinh dự được trao Huân chương Lao động hạng hạng Nhì, huân chương lao động hạng Ba, và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, buổi lễ cũng truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, nguyên trưởng trạm y tế xã Phước Lộc, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè và điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng, nguyên điều dưỡng Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Bác sĩ Nhẫn và điều dưỡng Hằng đã có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống dịch và đã vĩnh viễn nằm xuống.
Bên cạnh đó, chương trình đã giao lưu với một số nhân viên y tế đại diện cho chiến sĩ áo blouse trắng. Họ đã cùng nhau ôn lại những ngày đầu chống dịch với nhiều thiếu thốn, khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi. Thành quả khống chế được dịch như một phần thưởng xứng đáng nhất.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên bày tỏ, hôm nay là một ngày đặc biệt, một ngày dành riêng cho những người thầy thuốc. Ngày 27/02 hàng năm là dịp để tôn vinh y đức người thầy thuốc; chiêm nghiệm lời dạy sâu sắc của Bác Hồ kính yêu, mỗi cán bộ y tế phải quyết tâm đoàn kết, thương yêu người bệnh và có trách nhiệm xây dựng nền y học phát triển hơn nữa, để mãi xứng đáng với lời dạy của Bác: “Lương y như từ mẫu”.
Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh tự hào và tri ân đội ngũ y tế cả nước và TP. Hồ Chí Minh đã cống hiến, hy sinh vì sức khỏe, bình yên của nhân dân. Phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng hôm nay rất xứng đáng cho nhiều tổ chức, cá nhân tiêu biểu đã cống hiến, hy sinh trong phòng chống dịch, nhưng cũng không thể nào khen thưởng hết được. Lịch sử TP. Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi khắc ghi, tưởng nhớ.
Theo Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, năm 2021, ngành y tế TP. Hồ Chí Minh đã trải qua một năm đầy khó khăn, thử thách khi ứng phó với làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ tư chưa từng có tiền lệ. Chính lúc này, đội ngũ ngành y tế đã trở thành một trong những lực lượng chủ yếu, dũng cảm xông pha nơi tuyến đầu chống dịch cứu dân.
Khi TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, toàn hệ thống, không phân biệt vị trí, thứ bậc, tuổi tác, vùng miền, đương chức hay nghỉ hưu đều có chung một sứ mệnh thiêng liêng vì sức khỏe, tính mạng của đồng bào. Tất cả đã vượt qua chính mình, vượt qua mọi khó khăn, mọi trắc trở để đến với nhau, chi viện, hỗ trợ, chia lửa, cùng gánh vác, san sẻ trong lúc nước sôi lửa bỏng, trong lúc đồng đội đang oằn mình chống chịu. Những hình ảnh đó đã làm lay động lòng người, thể hiện một tinh thần đoàn kết trong sáng.
Bí thư Nguyễn Văn Nên bày tỏ xúc động khi nhiều người đã gửi lại người thân yêu của mình để xung phong vào tâm dịch, bất chấp mọi rủi ro, nguy hiểm, có người không thể về chịu tang cha mẹ, gác lại ngày cưới. Nhiều người bị nhiễm bệnh, sau khi khỏi bệnh vẫn không nỡ rời bỏ bệnh nhân, xin ở lại cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu, xem người bệnh như những người anh em ruột thịt của mình.
Và hơn thế, trong lúc toàn xã hội đồng cam cộng khổ, các thế hệ thầy thuốc đã âm thầm, không ai bảo ai lặng lẽ trên từng vị trí, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mỗi người đều có cách đóng góp riêng. Nhưng tất cả có chung một tấm lòng yêu thương nhân dân, yêu thương người bệnh sâu sắc.
Bí thư Nên đánh giá, những phẩm chất cao quý của người thầy thuốc đã thể hiện rất rõ qua những ngày tháng cam go thử thách, vô cùng khốc liệt, có những lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Đó là tinh thần đoàn kết trong sáng, tình thương yêu người bệnh sâu sắc, bổn phận xây dựng nền y học Việt Nam phát triển…
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho rằng, sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước đặt ra là nhiệm vụ trọng yếu trong các chính sách kinh tế - xã hội. Những năm qua, ngành y tế TP. Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa các quan điểm, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước thành những nhiệm vụ cụ thể ở từng giai đoạn.
Song, chính đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm bộc lộ một số khiếm khuyết, bất cập mà TP. Hồ Chí Minh cần ra sức khắc phục trong thời gian sớm nhất. Vì vậy, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, TP. Hồ Chí Minh đã khẩn trương triển khai kế hoạch tổng thể phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó xác định chiến lược về y tế là trụ cột, bao trùm, xuyên suốt, làm nền tảng cho các chiến lược, kế hoạch khác. Từ đó, đòi hỏi TP. Hồ Chí Minh phải quan tâm đầu tư toàn diện, chất lượng và hiệu quả hơn. Trong đó, khẳng định ý nghĩa to lớn của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ mắc bệnh, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng sống của người dân.
Bệnh canh đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng đánh giá cao việc TP. Hồ Chí Minh đổi mới tư duy tổ chức đào tạo nguồn nhân lực theo hướng đa dạng hóa, phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực hợp lý. Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực y tế không chỉ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân TP. Hồ Chí Minh mà phải tính toán cho cả vùng, cả khu vực phía Nam về số lượng và chất lượng với đầy đủ các loại hình.
Ông yêu cầu, ngành y tế phải phát huy những gương sáng về y đức, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, uốn nắn, chấn chỉnh, sửa chữa, loại bỏ những hạt sạn trong hệ thống để tiếp tục xây dựng đội ngũ những người thầy thuốc luôn xứng đáng với nghề cao quý nhất là nghề cứu người.
Nguyễn Tùng