Mô hình trạm xe buýt nhanh BRT. Ảnh minh họa.Mô hình trạm xe buýt nhanh BRT. Ảnh minh họa.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM Lương Minh Phúc cho biết, theo tờ trình của UBND TPHCM gửi Thủ tướng Chính phủ, song song với việc điều chỉnh vốn, thành phố còn đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ khoảng thời gian 2014-2019 thành thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án đến khoảng thời gian 2014-2023. Lý giải về việc điều chỉnh này, Sở GTVT TPHCM cho biết, đây là kết quả tiếp nhận ý kiến góp ý của các sở ngành cho dự án khả thi và phù hợp hơn với thành phố.

Sở cũng khẳng định, tuyến BRT này sẽ đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của loại hình giao thông thông minh. Trong đó, hệ thống vé dựa trên thẻ thông minh và NFC (vé điện thoại di động). Tuyến buýt nhanh dài 26km, chạy dọc hành lang đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Điểm đầu tuyến tại vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) và điểm cuối tại ga Rạch Chiếc (Quận 2).

Được biết, tuyến BRT có 42 xe sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) với sức chứa 60-72 hành khách, tốc độ di chuyển 60km/giờ. Làn đường dành riêng cho xe buýt được bố trí trên hai làn sát dải phân cách trung tâm. Dải phân cách bê tông sẽ được dùng để phân cách giữa làn BRT và làn xe khác.

Dọc theo tuyến có 28 trạm dừng, 2 trạm trung chuyển (Hải Thượng Lãn Ông, Hàm Nghi), 1 nhà ga Rạch Chiếc và bãi hậu cần tại Thủ Thiêm rộng hơn 13.000m2 và 8 bãi đậu xe cá nhân sẽ được xây dựng tại các trạm. Ngoài ra còn có 5 tuyến khác gồm: tuyến BRT đường Nguyễn Văn Linh - cầu Phú Mỹ (dài 24km); Vành đai 2 (từ An Sương - Bến xe miền Tây, dài 19km); Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (từ Kha Vạn Cân đến công viên Hoàng Văn Thụ dài 14,5km); Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong (từ ngã tư Bốn Xã - Nguyễn Văn Linh dài 8,7km) và đường Quang Trung (dài 8,5km). Tuy nhiên, đến nay mới có tuyến số 1 nêu trên bắt đầu được triển khai thực hiện.

 Thùy Linh