Ảnh minh họa
Trong thời gian qua, lượng khách hủy tour tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung cán mốc kỷ lục (90%-100%). Khó khăn chồng chất khó khăn, các DN du lịch mong muốn Nhà nước hỗ trợ phần nào để có thêm cơ hội cầm cự, hy vọng vượt qua mọi khó khăn do dịch bệnh. Thế nhưng, các gói hỗ trợ này tới các DN du lịch, người lao động vẫn nhỏ giọt, ì ạch.
Tại một cuộc họp mới đây, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho hay, nguyên nhân đến từ các quy định chưa sát với thực tế. Ví dụ như, đối với DN, điều kiện để được nhận ưu đãi (vay trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động) phải chứng minh rằng đã cho khoảng 50% nhân viên nghỉ việc. Thực tế, nhiều DN chỉ cho người lao động tạm nghỉ việc không hưởng lương chứ không cắt hợp đồng lao động, không cắt bảo hiểm vì DN muốn giữ chân người làm, đảm bảo đội ngũ nhân sự khi công ty tái khởi động. Với nhân viên du lịch, để nhận được gói hỗ trợ an sinh xã hội cũng mất nhiều thời gian, phải chứng minh rườm rà. Chẳng hạn như người lao động phải chứng minh không có thu nhập ở TPHCM và không nhận trợ cấp tại địa phương.
Gần đây, Sở Du lịch TPHCM đã kiến nghị UBND TPHCM về gói hỗ trợ lần 2 cho các DN du lịch; đồng thời đề nghị cho DN lữ hành được vay 50% tiền ký quỹ, từ đó giúp DN có thêm vốn hoạt động. Theo Luật Du lịch, DN lữ hành đưa khách Việt Nam đi nước ngoài phải ký quỹ 500 triệu đồng, đưa khách quốc tế vào Việt Nam ký quỹ 250 triệu đồng, tổ chức tour cho khách Việt đi trong nước ký quỹ 100 triệu đồng. Bộ KH-ĐT cũng đang tính toán các biện pháp hỗ trợ DN, đề xuất chính sách giảm 80% tiền ký quỹ cho DN lữ hành với thời hạn 2 năm, nhiều DN rất mong các biện pháp hỗ trợ này sớm được triển khai.
Thùy Linh