THCLTiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (sáng 16/11), chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về trách nhiệm trong việc thử nghiệm sách công nghệ giáo dục ở nhiều tỉnh trên cả nước của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đã làm “nóng” nghị trường.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xin phép “gửi bằng văn bản” - Hình 1

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt ra câu hỏi: Đề nghị Bộ trưởng cho biết những cuốn sách công nghệ giáo dục được đưa vào giảng dạy ở trường tiểu học (do GS.Hồ Ngọc Đại biên soạn - PV) từ trước khi có Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông có được Hội đồng thẩm định Quốc gia thẩm định và kiến nghị Bộ trưởng cho sử dụng hay không? Nếu có thì Hội đồng thẩm định đã thẩm định khi nào và Hội đồng gồm những ai?

Nếu không thì tại sao một bộ sách gây nhiều tranh cãi vẫn "ung dung" vào trường học, từ 16 tỉnh với 50.000 học sinh, nay lên đến 48 tỉnh? Nếu cho rằng, sách này được đưa vào triển khai theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì tại sao chưa có chương trình mới mà đã có sách giáo khoa mới? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Về công nghệ giáo dục tiểu học, chúng tôi rất đồng tình với ý kiến của đại biểu.

Khi nhận nhiệm vụ, một trong những vấn đề mà chúng tôi quan tâm đó là rà soát tất cả những vấn đề mà cử tri đang bức xúc, thì có vấn đề.

Xin ghi nhận với đại biểu, đây là vấn đề chúng tôi có ý kiến chỉ đạo tới đây phải có đánh giá thật sự khách quan.

Những gì không phù hợp thì phải chỉnh sửa. Xin phép đại biểu, chúng tôi sẽ gửi bằng văn bản”.

Tuy nhiên, do chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy bấm nút tranh luận, đặt ra vấn đề: Câu hỏi của tôi chẳng khác gì một hình thức trắc nghiệm “có hay không”?  Bây giờ, giả sử không qua Hội đồng thẩm định thì Bộ trưởng xử lý như thế nào?

Nếu Bộ trưởng đưa ra Hội đồng thẩm định để sửa những sai sót trong sách Công nghệ giáo dục, cử tri rất hoan nghênh, bởi vì có những sai sót hiện nay đã dạy cho các em học sinh là không thể chấp nhận được, thí dụ như những từ “ăn quỵt”, “tráo trở”...

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xin phép “gửi bằng văn bản” - Hình 2

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng)

Tôi hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào thì Bộ trưởng chưa đề cập?

Nếu như Bộ trưởng thừa nhận với tôi rằng có vấn đề mà vẫn cho dùng đến khi có chương trình mới vào năm 2018 thì tôi thiết nghĩ là đã biết sai mà không sửa thì không được.

Sau khi có ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn cho biết: “Về việc thí điểm dạy tiếng Việt tiểu học, chúng tôi xin nhận khuyết điểm. Việc thẩm định chúng tôi phải làm trong thời gian tới.

Còn sau khi thẩm định mà các nhà chuyên môn đánh giá thấy không hợp lý thì với trách nhiệm của mình, chúng tôi phải dừng”.

Hoan Nguyễn