Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa có báo cáo Quốc hội kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Qua 1.570 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3, 63 Đoàn Đại biểu Quốc hội đã tổng hợp được 2.458 kiến nghị có nội dung thuộc tất cả các lĩnh vực của xã hội. Các kiến nghị đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, toàn bộ các kiến nghị đã được trả lời (đạt 100%).
Ngoài kết quả giải quyết và trả lời cử tri, Báo cáo cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác này.
Trong đó, đối với Chính phủ, còn 570 kiến nghị cử tri các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, TP. Hà Nội... chưa được giải quyết trong đó bộ còn nhiều kiến nghị chưa giải quyết nhất là Bộ Tài nguyên & Môi trường (80), Bộ Y tế (60);
Có 352/570 kiến nghị không nêu lộ trình và thời hạn giải quyết là chưa đúng quy định của pháp luật, nội dung các kiến nghị chưa được giải quyết thuộc các vấn đề như nạn chặt phá rừng; phân bón giả; tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp; ô nhiễm môi trường; khai thác, quản lý tài nguyên, khoáng sản; rác thải ở nông thôn; quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc chữa bệnh; xây dựng trụ sở quá to, gây lãng phí; quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa; quản lý kinh doanh trò chơi điện tử,...
“Cử tri các tỉnh đang rất trông chờ Chính phủ có giải pháp đột phá để giải quyết dứt điểm các kiến nghị nêu trên”, Báo cáo nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Báo cáo cho biết, một số kiến nghị đã được trả lời nhưng chưa rõ, không phù hợp thực tiễn nên cử tri lại tiếp tục kiến nghị như: cử tri Nghệ An, Vĩnh Phúc yêu cầu xử lý các trường hợp lạm thu tại các cơ sở giáo dục công lập và tình trạng dạy thêm, học thêm; Bộ Giáo dục & Đào tạo trả lời “Bộ đã chấn chỉnh các cơ sở giáo dục thực hiện thu, chi chưa đúng quy định, chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra; tăng cường quản lý giáo viên,...”; trả lời như vậy là quá chung chung, không rõ đã chấn chỉnh thế nào? Kết quả ra sao? Tăng cường quản lý giáo viên là nội dung gì?
Cử tri tỉnh Lâm Đồng đề nghị duy tu, sửa chữa, nâng cấp Quốc lộ 27 đoạn từ Krông Nô, Đắk Lắk đến Liên Khương, Lâm Đồng; Bộ GTVT trả lời “Bộ sẽ chỉ đạo Tổng cục đường bộ tăng cường công tác duy tu, sửa chữa và bảo đảm an toàn giao thông”. Trả lời như vậy là chưa rõ ràng, sẽ chỉ đạo là khi nào? Việc tăng cường duy tu, sửa chữa được tiến hành như thế nào? Theo phản ánh của Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng, trong 08 năm qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều văn bản trả lời nhưng hiện nay tuyến Quốc lộ 27 đã xuống cấp trầm trọng, nhiều đoạn hư hỏng nặng,...;
Cử tri An Giang kiến nghị đầu tư công trình cống thoát nước Tha La chống nhiễm phèn ở huyện Tịnh Biên, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn trả lời “dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện đang lập dự án đầu tư để triển khai theo quy định hiện hành”. Nếu dự án đã được phê duyệt chủ trương thì việc lập dự án sẽ mất bao nhiêu thời gian? Và triển khai theo quy định hiện hành thì đến khi nào người dân huyện Tịnh Biên được sử dụng công trình cống thoát nước Tha La? trả lời như vậy là rất thiếu thông tin, sẽ làm cử tri không yên tâm, thiếu tin tin tưởng.
Việc giải quyết kiến nghị cử tri phản ánh về tham nhũng, lãng phí còn bất cập, cử tri nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Yên Bái, Long An, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Nghệ An, Trà Vinh,… cho rằng, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt đối với nhiều vụ tham nhũng lớn.
Tuy nhiên, số vụ việc phát hiện, xử lý còn chưa tương xứng với tình hình mà cử tri phản ánh, xử lý hành chính, kỷ luật nội bộ còn nhiều; nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện do tố cáo của người dân hoặc mâu thuẫn nội bộ mà không phải qua công tác thanh tra, kiểm tra. Hiện tượng người dân phải “lót tay” để giải quyết công việc còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành, trong phạm vi rộng, diễn biến phức tạp.
Cử tri các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Đồng Nai, Quảng Ngãi kiến nghị cần công khai, minh bạch trong thi tuyển công chức, bổ nhiệm cán bộ, quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư và thu phí các dự án BOT. Tuy nhiên, công tác giải quyết kiến nghị về việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong nhiều lĩnh vực còn rất hạn chế.
Các kiến nghị cử tri phản ánh những bức xúc về hành vi, thái độ, đạo đức của một số cán bộ xã, phường làm công tác tiếp công dân cũng chưa được Chính phủ giải quyết hiệu quả, còn hiện tượng bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhưng không đủ trình độ, trách nhiệm như vụ việc xin cấp giấy chứng tử tại phường Văn Miếu (Hà Nội);
Vụ việc tại xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội); xã Yên Thịnh (Yên Định, Thanh Hóa); xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương) khi công dân xin xác nhận lý lịch để đi học, đi làm; Việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cũng chưa thường xuyên (tính đến năm 2017, có tới 45% công chức làm công tác tiếp công dân chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ)…
Trần Nguyên