Ngay sau khi loạt bài phản ánh về việc hàng hóa trên các trạm dừng nghỉ thuộc tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đang có dấu hiệu nhập nhèm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của tạp chí Thương hiệu và Công luận xuất bản, bài viết đã được đông đảo độc giả quan tâm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc này.
Để kiểm chứng tính lan tỏa của bài viết, cũng như việc tiếp nhận thông tin của các đơn vị chức năng từ nguồn tin báo chí để vào cuộc xử lý vụ việc, ngày 12/8/2023, phóng viên đã tiếp cận trạm dừng nghỉ Tuấn Tú, nằm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tại Km57+500 tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai để ghi nhận sự việc.
Dán tem nhãn như là để sẵn sàng đối phó?
Theo chiều từ Nội Bài hướng đi Lào Cai, tại Km 57 + 500, trạm dừng nghỉ Tuấn Tú nằm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được biết đến là điểm dừng chân lý tưởng, bởi cung đường phù hợp với hành trình của lái xe, cũng như một trạm được đánh giá là rộng và quy mô thuộc top các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc này. Bởi thế, mỗi ngày trạm này tiếp nhận hàng nghìn lượt khách ghé qua.
Khu thương mại, dịch vụ của trạm được chia thành nhiều quầy từ nhà hàng ăn uống, giải khát bình dân, đến siêu thị mua sắm tiện ích theo kiểu mỗi một khu là một chủ sở hữu, hoạt động độc lập.
Dừng chân tại quán nước giải khát được cho là “bình dân”, phóng viên quan sát thấy, trên kệ hàng của quán này bày nhiều đồ nước giải khát ngoại nhập như: Nước tăng lực dạng chai Thái Lan, sữa chua đóng chai Trung Quốc,… trên bao bì của tất cả những dòng sản phẩm này đều in chữ nước ngoài và không có bất cứ dòng chữ tiếng Việt nào ghi thông tin về sản phẩm. Chỉ đứng quan sát một lúc, đã có vài vị khách để ý và mua sắm những sản phẩm này.
Trong loạt bài phản ánh lần trước có nêu rõ, nhiều sản phẩm nhập ngoại được bày bán tại khu siêu thị đều không được dán tem nhãn phụ tiếng Việt, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tem nhãn hàng hóa. Lần này, bên cạnh các sản phẩm mà chủ siêu thị này cố tình “quên” không dán tem nhãn phụ, đã có một số sản phẩm được dán một cách vội vàng theo cách đối phó.
Cụ thể: Tại quầy tủ bảo quản bán đồ uống mát, các sản phẩm như trà sữa pha, nước tăng lực đóng chai, sâm nước đóng chai,… là những sản phẩm trên bao bì ghi chữ nước ngoài như: Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc,… tuy nhiên lại không có bất cứ một thông tin bằng tiếng Việt nào thể hiện thông tin sản phẩm như tên sản phẩm, đơn vị chịu trách nhiệm sản phẩm, hạn sử dụng của sản phẩm,…
Tại quầy mua sắm, những sản phẩm như bánh ngọt với niên hạn sử dụng ngắn, kẹo, đồ chơi,… lác đác vài sản phẩm đã được chủ siêu thị dán tem nhãn tiếng Việt cho đúng với quy định, còn lại vẫn hoàn toàn để trống.
Cùng với bánh kẹo, những sản phẩm thực phẩm chức năng như: An Cung, nước đông trùng hạ thảo, hay như loại thực phẩm chức năng được giới thiệu là “Đặc trị bệnh tiểu đường”, được rất nhiều hành khách dừng chân chú ý tới cũng xuất hiện tình trạng tương tự: Hầu như các sản phẩm không dán tem nhãn phụ, nếu có cũng chỉ là dán một cách qua loa.
Từ những khảo sát trên, có thể thấy rằng, hiệu quả của bài viết đối với chủ doanh nghiệp và người tiêu dùng là có. Tuy nhiên, việc tiếp nhận và xử lý thông tin từ các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hầu như không.
Việc tiếp nhận và xử lý thông tin từ loạt bài phản ánh của các cơ quan chức năng đến đâu? Ở bài tiếp theo phóng viên sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về việc này.
Pháp luật quy định những gì?
Pháp luật đã quy định rõ, những sản phẩm nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước khi lưu hành ra thị trường cần phải đảm bảo các yếu tố minh bạch về tem nhãn cũng như chất lượng sản phẩm.
Cụ thể: Theo quy định, đồ chơi trẻ em phải có tên sản phẩm, trên bao bì phải in xuất xứ rõ ràng tên, địa chỉ nơi chịu trách nhiệm về chất lượng đồ chơi. Nếu sản xuất trong nước thì sản phẩm phải đề thông tin công ty sản xuất; nếu là hàng nhập khẩu thì ghi thông tin nhà nhập khẩu.
Cũng tại Quy định về Quy chuẩn Việt Nam số 3:2019/BKHCN nêu rõ, đồ chơi trẻ em thuộc phạm vi của Quy chuẩn kỹ thuật phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của quy chuẩn kỹ thuật này, gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường.
Đối với đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN.
Cùng với đó, theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Tâm An