Doanh nghiệp ngành điều Việt Nam đang giữ vai trò trung tâm của chuỗi cung ứng hạt điều trên thế giới.
Theo Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS), Việt Nam đang nhập khẩu tới gần 65% sản lượng điều thô và chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu trên thị trường thế giới.
Năm 2023, các doanh nghiệp (DN) ngành điều Việt Nam nhập khẩu xấp xỉ 3 triệu tấn điều thô, chế biến xuất khẩu trên 600.000 tấn điều nhân. Tuy nhiên, giá điều thô có thời điểm tăng cao trong khi giá điều nhân cũng tăng nhưng không tương ứng, khiến nhiều DN càng làm càng lỗ.
Bước qua đầu mùa vụ điều năm 2024, nỗi lo này lại chực chờ khi vẫn tiếp diễn tình trạng DN, nhà máy chế biến điều trong nước có dấu hiệu mạnh ai nấy chạy đua nguyên liệu, tranh nhau làm giá khiến cho giá điều thô khả năng tiếp tục lên cao.
Ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng Thư ký VINACAS cho biết, thời gian qua, sản lượng điều thô tại Châu Phi và Campuchia tăng rất nhanh. Tại Bờ Biển Ngà, sản lượng điều trước đây chỉ 400.000 - 500.000 tấn, đến năm 2023 đã tăng lên 1,25 triệu tấn (năm nay dự kiến tăng thêm 130.000 - 150.000 tấn).
![Ảnh internet. Ảnh internet.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/02/28/xk-nhan-1709082815.jpeg)
Campuchia trước đây có 200.000 tấn thì nay tăng lên 650.000 tấn (dự kiến năm nay sẽ chạm mốc 1 triệu tấn). Những khu vực này vẫn đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng điều để tranh thủ giá bán cao. Do vậy, sản lượng điều thô sẽ còn tiếp tục tăng.
Ông Hậu nêu một nghịch lý: Dù nguồn cung điều thô tăng nhanh, giá cũng tăng theo, còn giá điều nhân ngày càng giảm. Nguyên nhân là do DN Việt Nam thường tranh mua điều thô vào đầu vụ, đẩy giá lên cao, vì cho rằng điều đầu vụ có chất lượng tốt, cuối vụ khan hiếm giá sẽ cao.
Nhưng thực tế, đến cuối vụ, giá điều thô cao mà chất lượng lại thấp. Trong khi đó, các nước Châu Phi đang có chính sách hạn chế bán điều thô để phát triển ngành chế biến điều trong nước càng tạo áp lực lên giá điều nguyên liệu.
Một nguyên nhân khác là DN nhập điều thô về chế biến thành điều nhân nhưng lại bán không được, không có tiền trả nợ nên bị ngân hàng xiết nợ. Để xoay vòng vốn, các DN điều thường tranh nhau bán với giá rất thấp.
![“Tranh mua – tranh bán” hàng loạt doanh nghiệp ngành điều có nguy cơ đóng cửa “Tranh mua – tranh bán” hàng loạt doanh nghiệp ngành điều có nguy cơ đóng cửa](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/02/28/dieu-1-1709082736.jpg)
Từ đó, đẩy giá nhân điều đã giảm càng giảm sâu thêm. Những DN không cân đối được giữa giá điều nhân và điều thô sẽ dẫn đến thua lỗ, đóng cửa hàng loạt. "Việt Nam là nước sản xuất, xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới, nếu DN đóng cửa hàng loạt sẽ dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Hậu lo ngại.
Chủ tịch VINACAS Phạm Văn Công thẳng thắng nhìn nhận, DN Việt đang “tự gõ vào chân mình" khi tự đẩy giá thành điều nguyên liệu cao hơn giá bán. Tình trạng này khiến hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều nhân trong nước bị thua lỗ hoặc không có lợi nhuận, nhiều nhà chế biến đã phải tạm dừng hoạt động hoặc giảm sản lượng.
Ông Phạm Văn Công cho rằng, việc chủ động định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu, với sự tham gia của DN nội địa và nhiều quốc gia sản xuất điều là cần thiết để tìm tiếng nói chung, liên kết với nhau giải quyết những bất ổn, duy trì sự phát triển ổn định, bền vững.
“Tại sao nguyên liệu tăng nhưng giá điều nhân bán ra lại thấp, đây là câu hỏi rất nhức nhối. Việt Nam đang chi phối thị trường điều quốc tế, nhưng lại không làm chủ được thị trường nên phải phân tích chuỗi sản phẩm này xem khúc mắc ở đâu. VINACAS cho rằng, đó là lỗi của DN ngành điều Việt Nam, ta tự đội giá nguyên liệu, tranh mua, tranh bán, nguyên nhân nằm ở đó”, ông Công thẳng thắn nhận xét.
Thiên Trường (t/h)