Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực vào sáng 14/11.
Theo phân tích của Phó Thủ tướng, tình hình thế giới đang có nhiều biến động, đứng trước thách thức mang tính thời đại, những khủng hoảng toàn cầu. Thực tế này đặt ra yêu cầu bức thiết phải chuyển đổi từ kinh tế dựa vào tài nguyên sang kinh tế tri thức.
"Tri thức chính là tài nguyên mới. Nguồn nhân lực, nhân tài và đổi mới sáng tạo là động lực đột phá. Bằng tài nguyên tri thức, động lực con người, các nước đang phát triển, đi sau có thể về trước. Vì vậy, Hội đồng cần tập trung bàn định, thảo luận những vấn đề có tính chiến lược trong đổi mới giáo dục, đào tạo, trước hết là nhận thức nhưng phải sớm chuyển sang hành động", Phó Thủ tướng nói và đề nghị các thành viên Hội đồng, từ các góc độ khoa học, giáo dục, quản lý Nhà nước… xác định kế hoạch, chương trình làm việc, ưu tiên một số mục tiêu cụ thể, đề xuất giải pháp, giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành để "giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu, đổi mới cả nội dung, hình thức, tạo ra những thay đổi đột phá".
"Các thành viên của Hội đồng đại diện cho các lĩnh vực khoa học, văn hoá, nghệ thuật… tiếng nói từ các địa phương với nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng phải cùng nhau, cùng đi, cùng đạt mục tiêu trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Mỗi cuộc họp phải tổng hợp được trí tuệ, dân chủ, khoa học, thể hiện được quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, kỳ vọng của xã hội, người dân với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhắc đến những trăn trở, mong muốn chính đáng của phụ huynh, gia đình, xã hội và tương lai của đất nước, Phó Thủ tướng đề nghị Hội đồng cũng cần có tiếng nói ủng hộ những xu hướng, xu thế có tính cách mạng, đúng đắn trong đổi mới giáo dục, đào tạo, chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học, đánh giá, thi cử…; đồng thời, tiếp tục khẳng định những vấn đề căn cốt, lâu dài đối với việc phát triển giáo dục và nguồn nhân lực cần làm sâu sắc hơn.
Đại diện một số địa phương đã nêu những vấn đề cấp bách từ thực tiễn như công tác phân luồng giáo dục nghề nghiệp ở bậc trung học phổ thông; lộ trình triển khai chương trình giáo dục theo cách tiếp cận liên môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) để đáp yêu cầu đào tạo nhân lực của nền kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, đánh giá, thi cử…
Đáng chú ý, các thành viên Hội đồng nhấn mạnh yêu cầu có kế hoạch hoạt động rõ ràng, cụ thể trong từng công việc đối với những vấn đề đa ngành, đa lĩnh vực, liên địa phương trong giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan thường trực của Hội đồng, cần đề xuất danh mục các vấn đề thực tiễn cấp bách cần giải quyết, từ đó đưa ra phương án thực hiện cụ thể như tổ chức họp chuyên sâu, chuyên đề, phân công nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, điều kiện tổ chức, triển khai...
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, đổi mới giáo dục là vấn đề rất lớn, phức tạp, có những mục tiêu đặt ra phải 5-10 năm mới đạt được. Vì vậy, quá trình đổi mới phải thống nhất, kiên định với mục tiêu đặt ra; bảo đảm tính ổn định, đồng thuận về quan điểm, tư duy; đồng bộ về pháp luật, tổ chức bộ máy, có sự đầu tư mang tính hệ thống, khoa học phù hợp với điều kiện của đất nước.
Phó Thủ tướng cũng nêu quan điểm, định hướng phát triển nguồn nhân lực xuất phát từ nền tảng của hệ thống giáo dục vận hành thông suốt, đồng bộ từ bậc mầm non đến đại học, sau đại học. Trong đó, không tạo gánh nặng, áp lực cho học sinh ở bậc mầm non, trung học cơ sở; tập trung những môn học cần thiết cho định hướng nghề nghiệp ở bậc học phổ thông; gắn giáo dục cao đẳng, đại học với doanh nghiệp, yêu cầu chuyển đổi số, chiến lược phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
PV (t/h)