Theo đó, việc lập quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư mở rộng sân bay cho giai đoạn trước mắt và lâu dài, đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả quỹ đất trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất; đồng thời, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao về vận tải hàng không của khu vực Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian chưa có sân bay Long Thành, vừa đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Triển khai 2 việc cấp thiết của ngành hàng không - Hình 1

Rà soát, hoàn thiện quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tổ chức rà soát, tính toán lại cụ thể diện tích đất trong khu vực sân bay sử dụng cho các mục đích quốc phòng, an ninh và kinh tế; trên cơ sở đó, xác định cụ thể chức năng của sân bay là sân bay dân dụng đồng thời sử dụng cho mục đích quốc phòng khi cần thiết; từ đó, xác định diện tích đất cần thiết để xây dựng nhà ga dân dụng và nhà ga dùng chung đảm bảo hiệu quả.

Bộ Giao thông vận tải trao đổi, thống nhất với Bộ Quốc phòng về diện tích đất (hiện do Bộ Quốc phòng quản lý, sử dụng) sẽ được dành cho việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; đồng thời, tính toán kỹ lưỡng khu vực dùng chung dân dụng và quốc phòng, và việc quản lý, điều hành sân bay đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động hàng không.

Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải xác định cụ thể chức năng, nhu cầu đầu tư mở rộng sân bay để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không và đảm bảo công suất của sân bay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng phương án bố trí nhà ga đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả cao trong việc sử dụng quỹ đất trong khu vực sân bay.

UBND TP. HCM phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để rà soát, hoàn thiện phương án quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực sân bay đảm bảo việc đầu tư và khai thác, sử dụng đường giao thông được thuận tiện và bảo vệ môi trường; đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho người dân, xã hội biết mục đích và ý nghĩa to lớn của việc quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Trên cơ sở các Bộ, ngành đã thực hiện các nội dung công việc nêu trên, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo rà soát, hoàn thiện quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, tổ chức thẩm định và phê duyệt quy hoạch theo quy định.

Để đáp ứng yêu cầu về tiến độ của Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đòi hỏi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng phải được thực hiện khẩn trương.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tập trung đẩy nhanh tiến độ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giai đoạn 1 để kịp trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2019.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan tổ chức rà soát lại việc lập quy hoạch đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông cả bên trong và bên ngoài sân bay Long Thành.

Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lập quy hoạch xây dựng khu vực sân bay Long Thành làm căn cứ để quản lý, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ khu vực sân bay đảm bảo hiệu quả.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thành việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án; phối hợp và hướng dẫn UBND tỉnh Đồng Nai trong triển khai thực hiện công tác thu hồi đất để giải phóng mặt bằng cho Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Hội đồng thẩm định nhà nước phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ để Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai khẩn trương hoàn chỉnh nội dung bổ sung của Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án; trên cơ sở đó, Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức rà soát, hoàn thiện nội dung báo cáo thẩm định trong thời gian sớm nhất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án.

Bảo Ngọc (T/h)