Cụ thể, đối với hàng hóa nhập khẩu, đảm bảo quản lý, giám sát hàng hóa xuyên suốt từ khi phương tiện vận tải nhập cảnh, dỡ hàng từ phương tiện xuống cảng/kho/bãi, làm thủ tục nhập khẩu, vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan, đến khi hàng hóa được di chuyển ra khỏi khu vực giám sát hải quan để tiêu thụ nội địa hoặc chuyển sang chế độ hải quan khác (gia công, sản xuất, xuất khẩu...).
Ga hàng hóa ALS tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài
Đối với hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo quản lý, giám sát xuyên suốt từ khi được tập kết để xuất khẩu, làm thủ tục xuất khẩu, vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan, đến khi hàng hóa được xếp lên phương tiện vận tải và di chuyển ra khỏi khu vực giám sát hải quan để xuất khẩu ra nước ngoài.
Đối tượng chịu tác động khi triển khai đề án gồm: cơ quan hải quan và các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng đường biển, đường không. Bên cạnh đó, việc thực hiện đề án còn liên quan đến các hãng tàu, hãng hàng không, đại lý hãng tàu, đại lý giao nhận, đại lý hải quan, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các cơ quan quản lý của các Bộ, ngành và những bên liên quan khác.
Để triển khai đề án, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình yêu cầu, các đơn vị rà soát lại quy trình, hệ thống áp dụng… đảm bảo việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý một cách bài bản, chuyên nghiệp để vừa đảm bảo tích hợp cho doanh nghiệp cũng như trong quản lý của ngành phù hợp với các tiêu chuẩn, quy trình quốc tế.
Cùng với việc thực hiện thí điểm tại Cục Hải quan Hà Nội cũng hướng dẫn các cục hải quan ở các tỉnh thành có sân bay quốc tế tiến hành các công việc tương tự để có thể sớm triển khai chính thức tại tất cả các cảng hàng không.
Hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng hàng không sẽ triển khai thí điểm tại Cục Hải quan Hà Nội vào tháng 10/2017.
Hưng Khánh