THCL Tại Hội nghị giao ban quý III/2015 giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam vừa qua, một số hạn chế trong triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã được Bộ Y tế chỉ rõ. Theo đó, hai cơ quan sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời quyết liệt thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Sự vào cuộc còn chậm trễ
2015 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã phối hợp tổ chức các hội nghị triển khai và thực hiện Kế hoạch số 82/KH-BHYT ngày 28/01/2015 về việc kiểm tra việc triển khai thực hiện tại 20 tỉnh, thành phố.
Tính đến ngày 30/9/2015, hầu hết các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch, quyết định, công văn về việc triển khai Luật BHYT, xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu phát triển đối tượng đến từng huyện, xã. UBND các tỉnh còn thành lập BCĐ thực hiện Luật BHYT từ tỉnh đến huyện.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 về tăng cường thực hiện BHXH và BHYT và Quyết định số 1584/QĐ-TTg ngày 14/9/2015, các địa phương tích cực triển khai thực hiện, phấn đấu năm 2015 đạt trên 75% dân số có thẻ BHYT như quyết định giao.
Đến tháng 09/2015, số đối tượng tham gia BHYT khoảng 67,4 triệu người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 73,91% dân số, trong đó có 08 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ trên 90% dân số; 10 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT từ 80% đến dưới 90% dân số; 22 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT từ 70% đến dưới 80% dân số; 19 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT từ 60% đến dưới 70% dân số; 4 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ BHYT dưới 60%. Như vậy, so với chỉ tiêu Chính phủ giao còn thiếu 1,49%.
Trong số các nguyên nhân một số tỉnh không đạt được tỷ lệ tham gia, nổi cộm hơn cả là đối với nhóm người lao động và người sử dụng lao động do tình trạng DN nợ đóng, trốn đóng BHYT diễn ra khá phổ biến, theo thống kê có trên 40% DN còn nợ đóng, trốn đóng BHYT. Nhiều DN giải thể hoặc kinh doanh không có lãi, không ít DN thực hiện sản xuất theo mùa vụ nên số lao động không ổn định…
Ông Lê Văn Khảm, Phó vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) chỉ rõ, một trong những hạn chế trong triển khai thực hiện Luật BHYT đó là sự vào cuộc còn chậm trễ của UBND một số địa phương.
“Hiện mới có 35/63 tỉnh, thành phố báo cáo đã thành lập BCĐ, tổ chức hướng dẫn UBND lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình. Một số địa phương vẫn có tình trạng giao việc cho sở y tế, BHXH nên việc triển khai luật, kê khai, lập danh sách theo hộ gia đình còn lúng túng. Sự phối hợp giữa sở y tế và cơ quan BHXH chưa chặt chẽ nên vẫn còn vướng mắc trong phân bổ số lượng, đối tượng đăng ký KCB ban đầu tại mỗi cơ sở y tế”, ông Khảm cho biết.
Thực hiện BHYT toàn dân
Theo Bộ Y tế, nhiệm vụ trọng tâm trong quý VI/2015 là đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 75%. Đại diện Bộ Y tế đề xuất các giải pháp như tập trung tuyên truyền, vận động tăng tỷ lệ tham gia BHYT theo hộ gia đình, tăng tỷ lệ bao phủ theo các nhóm đối tượng (cận nghèo, nông dân có mức sống trung bình, người lao động trong các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên…).
Riêng với BHYT theo hộ gia đình, được sự đồng ý của Bộ Tư pháp, Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam sẽ báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án thực hiện BHYT hộ gia đình linh hoạt theo hướng: Các thành viên theo hộ gia đình đều bắt buộc tham gia BHYT, tuy nhiên phải phát hành thẻ cho từng thành viên mà không bắt buộc toàn bộ gia đình phải tham gia cùng thời điểm, đồng thời vẫn giảm trừ mức đóng cho những thành viên tiếp theo.
Hai ngành thống nhất tăng cường chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh có tỷ lệ bao phủ dưới 60% dân số (Cần Thơ, Nam Định, Tiền Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, An Giang, Bình Thuận, Bạc Liêu, Tây Ninh, Kiên Giang). Đồng thời, tiếp tục thanh tra, kiểm tra việc thực hiện luật, thực hiện các quy định về KCB thanh quyết toán chi phí BHYT.
Song song với đó, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sẽ hoàn thiện các thông tư sửa đổi, bổ sung các thông tư hiện hành, cũng như hoàn thiện, trình ban hành các thông tư mới để bảo đảm có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Ngoài việc phân hạng các bệnh viện, Bộ cũng sẽ gấp rút hoàn thiện các tiêu chí xác định “hạng” của các trung tâm y tế, trung tâm y tế có tổ chức KCB.
Bên cạnh đó, phối hợp triển khai Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB và thanh toán BHYT, phấn đấu thực hiện kết nối hệ thống thông tin quản lý KCB và thanh toán BHYT qua mạng điện tử để quản lý, giám định, thanh toán BHYT kịp thời trước ngày 1/1/2016. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách dưới nhiều hình thức: tọa đàm, giao lưu trực tuyến về BHYT, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, BHXH Việt Nam đã và đang quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện chính sách BHYT. Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT… đang triển khai và bước đầu có kết quả.
Thiên Đức – Duy Thế (Thương hiệu & Công luận)