Theo quyết định trên thì giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, trong đó: năm 2017 thực hiện thoái vốn tại 135 doanh nghiệp; năm 2018 thực hiện thoái vốn tại 181 doanh nghiệp; năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 doanh nghiệp; năm 2020 thực hiện thoái vốn tại 28 doanh nghiệp.
Trong 8 tháng đầu năm 2019 chỉ có 12 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thoái vốn với giá trị 783 tỷ đồng, thu về 1.700 tỷ đồng.
Trong 8 tháng đầu năm các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn với tổng giá 1.648 tỷ đồng, thu về 2.952 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến tháng 8/2019, thoái vốn nhà nước tại 90 đơn vị theo quyết định trên với giá trị 4.574 tỷ đồng, thu về 8.807 tỷ đồng.
Theo đó, Bộ Tài chính đánh giá, việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg còn chậm (mới đạt 7,5% kế hoạch), chưa đạt yêu cầu đề ra.
Ảnh minh họa
Ở hoạt động thoái vốn khác, kể từ năm 2017 đến tháng 8/2019, tình hình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg trên cả nước đạt 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco).
Theo ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), nguyên nhân khiến cho tiến độ CPH, thoái vốn còn chậm là do quá trình CPH DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước CPH làm kéo dài thời gian thực hiện CPH. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các DNNN phải điều chỉnh tiến độ CPH.
Tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án CPH DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc CPH. Việc chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các DNNN CPH đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DNNN.
Việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều DNNN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị DNNN sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các DNNN trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các DNNN này.
Ngọc Linh