Triển khai thu phí tự động không dừng tại đường địa phương quản lý - Hình 1

 Ảnh minh họa

Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Sở Giao thông vận tải hiện đang quản lý các tuyến đường địa phương có đặt các trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án chỉ đạo các Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng theo các Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 và Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

 Về thiết kế trạm thu phí, Tổng cục Đường bộ đề nghị các địa phương tham khảo mẫu thiết kế cổng trạm và giá long môn thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên đã được Bộ GTVT ban hành để tránh lãng phí chi phí đầu tư xây dựng khi triển khai thu phí tự động không dừng theo các giai đoạn (có barie, không barie, đa làn tự do). Lưu ý, điều chỉnh số lượng các làn thu phí phù hợp với lưu lượng xe qua trạm; điều chỉnh số lượng làn ETC phù hợp với lộ trình triển khai thu phí tự động không dừng và tính toán lại kích thước các thanh dàn của giá long môn phù hợp với điều kiện khu vực.

Các thiết bị thu phí một dừng, không dừng cần triển khai thiết kế và lắp đặt căn cứ lộ trình triển khai thu phí tự động không dừng do UBND các tỉnh ban hành theo đề nghị của Bộ GTVT và Quyết định số 07 của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo Quyết định trên, đến ngày 31/12/2019, tất cả trạm thu phí trên toàn quốc (quốc lộ, đường cao tốc, tỉnh, huyện lộ có đặt trạm thu phí BOT) phải có làn thu phí không dừng. 

Các trạm không có làn thu phí tự động sẽ bị buộc ngừng thu toàn trạm cho đến khi lắp đặt xong thiết bị thu phí không dừng ở một số làn. Định hướng đến sau năm 2020, ở mỗi trạm thu phí phải có 4 làn thu phí không dừng (2 đi, 2 về). Bên cạnh đó vẫn sẽ có một số làn thu phí trực tiếp bằng tiền mặt như hiện nay.

Lê Đại