• PV: Thưa ông, năm 2024 vừa qua chứng kiến những biến động của thị trường chứng khoán, ông có thể đưa ra những nhận định nào về thị trường chứng khoán năm 2024? Đâu là những điểm đáng chú ý?

Ông Trần Đức Anh: Năm 2024, thị trường chứng khoán chứng kiến diễn biến trồi sụt, thanh khoản giảm mạnh, số lượng cổ phiếu giảm và đi ngang chiếm ưu thế do những nguyên nhân đến từ bên ngoài cũng như nội tại.

Dòng tiền trên thị trường thiếu hụt nghiêm trọng khi tiếp tục ghi nhận đà bán ròng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024. Thống kê trên sàn HOSE cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 85.000 tỷ đồng tương đương hơn 3,3 tỷ USD. Nguyên nhân chính là do sự tăng giá mạnh của đồng USD đã khiến tỷ giá USD/VND gặp áp lực, cũng như việc TTCK Mỹ hút mạnh dòng vốn đầu tư toàn cầu trước làn sóng AI. Không riêng Việt Nam mà nhiều thị trường đang phát triển khác cũng chứng kiến sự rút ròng dòng vốn đầu tư. Trong khi đó, với việc tăng giá mạnh của bất động sản hay vàng càng khiến cho TTCK kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Kết quả là trong năm 2024, sau nhiều lần cố gắng nhưng thất bại, VN-Index vẫn chưa thoát khỏi được vùng kháng cự 1300 điểm (tính đến thời điểm hiện tại).

PV: Vậy theo ông, triển vọng thị trường chứng khoán năm 2025 được dự đoán như thế nào, cả về cả cơ hội và thách thức? Cơ sở của những dự đoán này là do đâu?

Ông Trần Đức Anh: Năm 2025 mở ra cơ hội nhiều hơn thách thức cho các nhà đầu tư, với động lực chính đến từ các yếu tố nội tại nền kinh tế nói chung và triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán nói riêng.

Xét về bối cảnh vĩ mô, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021–2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, các chính sách tài khoá và tiền tệ dự báo sẽ tiếp tục theo xu hướng hỗ trợ nền kinh tế. Ngoài ra, kinh tế Việt Nam còn được hưởng lợi từ các yếu tố hỗ trợ khác như dòng vốn FDI giải ngân tăng trưởng mạnh mẽ, hoạt động xuất khẩu được mở rộng, các khó khăn của thị trường bất động sản dần được tháo gỡ, nhiều chính sách kích cầu được tung ra. Theo đó, tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế được dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2025, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và từ đó đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao.

Xét đối với kỳ vọng của TTCK, chỉ số VN-Index hiện đang giao dịch tại vùng định giá hấp dẫn, với PE khoảng 13 lần. Trong bối cảnh kỳ vọng tăng trưởng kinh tế ở mức cao, vùng giá này là điều kiện tốt để các nhà đầu tư mới cũng có thể tham gia với rủi ro được giảm bớt. Năm 2025 cũng được hầu hết các chuyên gia, tổ chức tài chính đánh giá tích cực nhờ câu chuyện nâng hạng (từ cận biên lên mới nổi), kéo theo đó là kỳ vọng đảo chiều quay trở lại mua ròng của dòng vốn ngoại. Trên thực tế, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt tới Ủy ban chứng khoán và các Bộ/Ban ngành về việc thực hiện những tiêu chí còn vướng mắc theo yêu cầu của các tổ chức tín nhiệm, xếp hạng.

Tuy nhiên, thị trường vẫn tồn tại không ít những thách thức. Khi các bất ổn chính trị có dấu hiệu gia tăng trở lại vào cuối năm 2024, cho thấy bức tranh địa chính trị thế giới sẽ cần thêm thời gian để trở lại trạng thái ổn định hơn trong năm 2025. Đi kèm với đó, khi ông Trump lên làm Tổng thống thứ 47 của Mỹ, các căng thẳng thương mại sẽ gia tăng cùng với đó là sự xáo trộn của dòng chảy thương mại, dòng vốn đầu tư toàn cầu. Đồng thời, diễn biến của đồng USD vẫn tiềm ẩn nhiều khả năng biến động mạnh, gây áp lực lên đồng tiền của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

PV: Lời khuyên của ông dành cho các nhà đầu tư trong năm 2025 như thế nào?

Dù TTCK được dự báo sẽ có một năm sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2025, nhưng nhà đầu tư tham gia trên thị trường cũng cần tuân thủ những kỷ luật, quản trị rủi ro trong giao dịch. Danh mục đầu tư nên hướng tới những cổ phiếu, nhóm cổ phiếu cơ bản tốt, tăng trưởng ổn định nhờ hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô tích cực. Các hoạt động đầu cơ lướt sóng nên hạn chế và chỉ phù hợp với nhà đầu tư nhiều kỹ năng và kinh nghiệm.

Dựa trên những đánh giá toàn diện về cơ hội và thách thức đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025, những nhóm ngành mở ra tiềm năng tăng giá tốt là nhóm Tài chính (Chứng khoán, Ngân hàng), Công nghệ, Bán lẻ, Bất động sản – BĐS KCN, Vật liệu xây dựng, Đầu tư công…

PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

Thu Trang(thực hiện)