THCL Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính đến hết 10 tháng đầu năm 2016, tổng số đi làm việc ở nước ngoài là 98.410 lao động. Đài Loan, Trung Quốc vẫn là thị trường thu hút đông nhất số lao động.
Gần 100.000 người đi xuất khẩu lao động 10 tháng đầu năm 2016
Cụ thể, trong tổng số 98.410 người đi làm việc ở nước ngoài 10 tháng đầu năm 2016, đạt 98,4% kế hoạch năm 2016, bằng 116,98% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, lao động nữ chiếm khoảng 36.640 người. Thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất là Đài Loan, Trung Quốc với khoảng 6.110 lao động; tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả rập Xê út, Algeria…
Số liệu cập nhật từ báo cáo của các doanh nghiệp, riêng tháng 10/2016, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động là 10.361 người, có 3.679 lao động nữ. Cụ thể, tại thị trường Đài Loan là 6.110 lao động (1.953 lao động nữ), Nhật Bản 3.193 lao động (1.351 lao động nữ), Hàn Quốc 641 lao động (104 lao động nữ), Malaysia 18 lao động (15 lao động nữ), Ả rập - Xê út 267 lao động (243 lao động nữ), Macao 27 lao động (26 lao động nữ), Algeria 103 lao động nam...
Trong tháng 10/2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức thành công Kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 11 tại 4 điểm thi tại 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vinh và TP. Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, đã có 2.100/20.000 thí sinh trúng tuyển. Kỳ thi trên đã được nối lại sau hơn 4 năm gián đoạn. Nguyên nhân do tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động đã ở lại trái phép Hàn Quốc quá lớn.
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận định, mặc dù tăng trưởng về số lượng nhân công xuất khẩu lao động, song hiện công tác này còn hạn chế. Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt, người sử dụng lao động ngày càng có điều kiện để đưa ra nhiều đòi hỏi khắt khe hơn, công nhân không những phải có sức khỏe tốt, có ý thức phục tùng kỷ luật cao, mà cũng phải sử dụng được ngôn ngữ của thị trường tiếp nhận. Tuy nhiên, đây là điểm yếu của người lao động Việt Nam khi khả năng ngoại ngữ còn hạn chế. Ngoài ra, lao động Việt Nam cũng chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu mà một số thị trường đặt ra như tay nghề, sức khỏe và đặc biệt là ý thức kỷ luật, tỷ lệ bỏ trốn hiện vẫn cao.
Hoan Nguyễn