THCL Liên quan đến vụ việc nhiều lao động “tố” ông Nguyễn Thành Trung, sống tại địa chỉ số 12, BT4 X2, Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) có dấu hiệu lừa đảo thông qua hoạt động đưa người đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan, mới đây hàng chục nạn nhân sau khi nắm bắt được thông tin đã liên tiếp đến Công an quận Hoàng Mai trình báo.
Như Thương hiệu & Công luận đã thông tin, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan làm việc vài năm để cải thiện kinh tế gia đình nên từ năm 2015 đến năm 2016,hàng loạt lao động đã đi vay mượn anh em, bạn bè, người thân, thậm chí thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng, vay nặng lãi… để nộp cho ông Nguyễn Thành Trung với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, sau khi nộp đủ số tiền theo yêu cầu, ông Trung không đưa được những lao động này sang Đài Loan làm việc như đã hứa, đồng thời tìm đủ mọi cách để trì hoãn việc trả lại số tiền đã thu của những lao động trước đó. Phát hiện thấy ông Trung có dấu hiệu lừa đảo, họ đã đến Công an phường Hoàng Liệt làm đơn trình báo để tìm sự giúp đỡ từ phía cơ quan chức năng.
Trao đổi với phóng viên, cán bộ Công an phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Do sự việc có tính chất nghiêm trọng, vượt quá thẩm quyền xử lý của phường nên chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ lên Công an quận Hoàng Mai giải quyết theo thẩm quyền.Hiện tại, những nạn nhân khi nắm bắt được thông tin thì có thể trực tiếp lên trình báo tại Công an quận Hoàng Mai”.
Theo ghi nhận của phóng viên chiều ngày 23/9, có gần 20 nạn nhân thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Phú Thọ… đã liên tiếp đến trụ sở Công an quận Hoàng Mai để trình báo về việc đã giao cho ông Trung hàng trăm triệu đồng để đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan, nhưng đến nay vẫn chưa sang được Đài Loan làm việc, tiền thì ông Trung vẫn không chịu trả.
Theo những người đến trình báo cho biết, họ đều là những lao động phổ thông, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đã nộp tiền cho ông Trung với mong muốn sang Đài Loan làm việc kiếm tiền để cải thiện kinh tế gia đình. Trong số đó, người nộp tiền cho ông Trung nhiều nhất là 300.000.000 đồng, người nộp ít nhất là trên dưới 100.000.000 đồng.
Đặc biệt, những lao động này cho hay do họ không đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan theo đường chính thống nên đã sẵn sang bỏ ra số tiền lớn để đi theo con đường thương mại – du lịch (đi chui) của công ty ông Trung.
Theo thông tin từ phía Công an quận Hoàng Mai, hiện tại có rất nhiều lao động đến trình báo. Cơ quan này đang tiến hành xác minh, điều tra thu thập thông tin từ nhiều phía để hoàn thiện hồ sơ và xử lý vụ việc theo quy định.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Huy An, Trưởng Văn phòng Luật sư Huy An nhận định: “Như thông tin báo phản ánh thì có căn cứ để xem xét, điều tra hành vi của đối tượng theo quy định của Bộ luật Hình sự. Theo đó, cơ quan điều tra cần làm rõ việc Công ty CP Hữu nghị Bắc Giang có được cấp phép thực hiện chức năng xuất khẩu lao động hay không? Bên cạnh đó, phải xem xét hợp đồng của công ty này đã ký kết với lao động để xác minh rõ có hành vi chiếm đoạt tài sản hay không… Sau khi xem xét, nếu phát hiện vi phạm thì phải xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật”.
Tuấn Ngọc
Điều 139Bộ luật Hình sự -“Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nêu rõ: 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: A) Có tổ chức; B) Có tính chất chuyên nghiệp; C) Tái phạm nguy hiểm; D) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; E) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; G) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: A) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười 2 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: A) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. |