Như vậy, tính từ ngày 8/3 đến nay, Việt Nam đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca cho 5.248 người tại 12 tỉnh, thành phố, bao gồm: Cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng.
Trong đó, Hải Dương tiêm được 2.862 người, Hà Nội 163 người, Hưng Yên 138 người, Bắc Ninh, 312 người, Bắc Giang 319 người, Hải Phòng 147 người, TP. HCM 704 người; Gia Lai 200 người; Long An 159 người; Đà Nẵng 117 người; Hòa Bình 32 người; Khánh Hòa 95 người.
Các tỉnh còn lại trong kế hoạch tiêm đợt 1 đang khẩn trương tổ chức tập huấn, thực hiện công tác chuẩn bị cho triển khai.
Dự kiến trong tuần tới, Quảng Ninh, Điện Biên, Đồng Tháp sẽ bắt đầu triển khai tiêm vắc xin Covid-19 trên địa bàn.
Theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, trong ngày 12/3, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2, Hải Phòng ghi nhận 1 trường hợp phản ứng phản vệ độ 2.
Trường hợp này xuất hiện triệu chứng 30 phút sau tiêm vắc xin, đã được phát hiện và xử trí kịp thời theo đúng quy định, hiện tại đã ổn định.
Các địa phương khác tiêm trong ngày 12/3 chưa tổng hợp báo cáo.
Trước đó trong 4 ngày tiêm đầu tiên với 1.585 trường hợp, GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, có 410 người phản ứng thông thường (chiếm 26%); 11 trường hợp có phản ứng sau tiêm ở mức độ 2-3 như mổi mề đay, ngứa, phù mạch tại chỗ tiêm, khó thở (có tiền sử hen phế quản) (chiếm 0,7%), trong đó, tại điểm tiêm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM (6 người), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng (4 người), Bệnh viện dã chiến Gia Lai (1 người)…
Tuy nhiên tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm này đều có sức khỏe ổn định trong vòng 1 ngày.
Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 chiều 12/3, Bộ Y tế khẳng định, Bộ đã xây dựng quy trình tiêm chủng chặt chẽ, từ chuẩn bị trang thiết bị phòng chống sốc, xử trí cấp cứu các ca tai biến đến khám sàng lọc trước khi tiêm và theo dõi sau tiêm. Đặc biệt, luôn có các đội cấp cứu lưu động thường xuyên túc trực để hỗ trợ các điểm tiêm trong trường hợp cần thiết.
Về thông tin xảy ra một số phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca ở một số nước châu Âu, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, lãnh đạo Bộ đã nghe báo cáo, phân tích của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, các chuyên gia, nhà khoa học.
Theo đó, chưa tìm ra sự liên quan giữa nhưng sự cố nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca, một số trường hợp đang tiếp tục nghiên cứu. Vì vậy, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia tiếp tục triển khai tiêm phòng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca như kế hoạch.
Đăng Khôi (T/h)