
Lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Theo đăng ký kế hoạch giải ngân của các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, trong tháng 09/2022 cần giải ngân 5.718 tỷ đồng; trong đó, 4.594 tỷ đồng theo kế hoạch đăng ký và 1.124 tỷ đồng chậm kế hoạch. Dự kiến lũy kế giải ngân hết tháng 09/2022 của Bộ Giao thông Vận tải đạt khoảng 27.812 tỷ đồng, đạt 55,3% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Để đảm bảo kế hoạch giải ngân trong tháng Chín, Vụ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đẩy mạnh giải ngân tại các dự án có kế hoạch còn lại lớn, đặc biệt tại các dự án trọng điểm và các dự án phải hoàn thành, cơ bản hoàn thành trong năm 2022 như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các dự án đường sắt cấp bách...
Các dự án tuyến tránh Long Xuyên, kết nối Tây Nguyên, kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, tuyến tránh Quốc lộ 1A qua Cà Mau, tuyến tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, tuyến kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư thông tin về việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung, điều chỉnh, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (đợt 3): Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ là 31.396 tỷ đồng; đồng thời, điều chỉnh tăng tương ứng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương, gồm: Hà Nội là 8.400 tỷ đồng, Hưng Yên 3.740 tỷ đồng, Bắc Ninh 2.110 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh 10.627 tỷ đồng, Đồng Nai 856 tỷ đồng, Bình Dương 4.266 tỷ đồng và Long An là 1.397 tỷ đồng.
Công Huy (t/h)