Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Trừng phạt Nga, đồng USD mất quyền thống trị, đồng nào lên ngôi?

Tính toán không cẩn thận, các lệnh trừng phạt còn gây ảnh hưởng lớn tới các nước phương Tây, là cơ hội để Trung Quốc và Nga cân bằng địa vị thống trị của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Theo báo SCMP, để trừng phạt việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Anh và Canada tuyên bố loại một số ngân hàng của Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).

Có người hình dung đây là một "quả bom hạt nhân tài chính", chẳng khác nào loại Nga ra khỏi hệ thống kinh tế và tài chính phương Tây, thậm chí quốc tế. Hậu quả có thể xảy ra là gì? Ví dụ được đề cập nhiều nhất chính là Iran.

Năm 2012, sau khi Ngân hàng Trung ương Iran và các tổ chức tài chính của nước này bị loại khỏi hệ thống SWIFT, đã gây thiệt hại gần một nửa nguồn thu xuất khẩu dầu mỏ và 30% nguồn thu từ ngoại thương. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng quy mô nền kinh tế Nga lớn hơn nhiều so với Iran, nên ảnh hưởng cũng sẽ khác.

Nga sản xuất 10% dầu mỏ toàn cầu, cung cấp 40% khí đốt tự nhiên cho Châu Âu, đồng thời là nước xuất khẩu ngũ cốc và phân bón hóa học lớn nhất thế giới, sản xuất palladium và niken nhiều nhất, đứng thứ ba về xuất khẩu than đá và thép, cũng như thứ năm về xuất khẩu gỗ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh AP.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh AP..

Việc loại Nga - nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, và cũng là 1 trong 6 nhà cung ứng hàng hóa chiến lược, ra khỏi hệ thống thương mại là điều chưa từng có tiền lệ trong thời đại toàn cầu hóa. Đặc biệt là trong bối cảnh các nền kinh tế phương Tây đang đối diện với thách thức lạm phát leo thang, giá năng lượng cao. Do đó, nếu không tính toán cẩn thận, thì “quả bom hạt nhân tài chính” này không những gây thương tổn cho Nga, mà cũng gây tổn hại cho các nước phương Tây.

Nga còn có một điều kiện mà Iran không có, đó là Trung Quốc, với quan hệ chuẩn đồng minh "không có giới hạn", hợp tác chiến lược "không có vùng cấm". Dưới sự bao vây của phương Tây, những năm gần đây, Nga và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau, thường xuyên lên tiếng ủng hộ lẫn nhau trên vũ đài quốc tế, khi cần thiết Bắc Kinh có thể dựa vào sức mạnh ngoại giao và kinh tế để ném "phao cứu sinh" cho Moscow.

Vì vậy, có bình luận cho rằng, hiện nay, Nga đang kiểm tra sức ép của “bom hạt nhân tài chính”, trong khi Trung Quốc đứng bên cạnh quan sát, nắm chắc cơ hội. Cơ hội này chính là xây dựng một hệ thống thay thế SWIFT. Trên thực tế, cả Bắc Kinh và Moscow đều muốn cân bằng địa vị thống trị của Mỹ và đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Mặc dù hệ thống SWIFT không thay mặt khách hàng giữ tiền hoặc quản lý tài khoản, nhưng với tư cách là cơ sở hạ tầng viễn thông tài chính kết nối ngành ngân hàng toàn cầu, nên hoạt động thanh toán quốc tế hầu như đều không thể tách rời SWIFT.

Do USD là đồng tiền chính trong hệ thống thanh toán quốc tế (40,51%), và quyết toán cuối cùng của hơn 95% USD trên phạm vi toàn cầu đều phải thực hiện thông qua hệ thống thanh toán bù trừ liên ngân hàng tại Mỹ (CHIPS), nên ở mức độ rất lớn, Mỹ đã kiểm soát sự vận hành của SWIFT. Thậm chí, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã sử dụng SWIFT như một công cụ để thực hiện trừng phạt khi xảy ra xung đột địa chính trị.

Từ năm 2005, Mỹ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran, 03 năm sau cắt đứt CHIPS, năm 2012 cắt đứt SWIFT. Trung Quốc, Nga và thậm chí EU đều đã nghiên cứu phát triển phương án thay thế SWIFT.

Ảnh minh họa internet
Nga sản xuất 10% dầu mỏ toàn cầu, cung cấp 40% khí đốt tự nhiên cho Châu Âu. Ảnh minh họa internet.

Một là, năm 2014, sau khi bị trừng phạt kinh tế do sáp nhập Crimea, Nga đã thành lập hệ thống thông tin tài chính ngân hàng (SPFS), đẩy nhanh tiến trình phi USD hóa. Về cơ bản, SPFS mô phỏng hệ thống SWIFT. Tính đến ngày 10/11/2021, SPFS có 400 khách hàng sử dụng, nhưng chủ yếu là các tổ chức trong nước của Nga nên khó thay thế SWIFT.

Hai là, hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng đồng Nhân dân tệ (CIPS) do Trung Quốc xây dựng vào tháng 10/2015. Tính đến cuối tháng 01/2022, CIPS tổng cộng có 1.280 khách hàng tham gia, bao gồm hàng chục tổ chức của Nga. Quý I/2021, giá trị giao dịch của CIPS đạt 17.460 tỷ Nhân dân tệ (NDT), bằng khoảng 10-20% SWIFT.

CIPS cung cấp dịch vụ thông tin, thanh toán và kế toán, có tiềm năng vận hành độc lập, đồng thời có tuyến viễn thông trực tiếp riêng giữa các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, nếu liên quan đến các ngân hàng không trực tiếp tham gia CIPS, thì hoạt động giao dịch thông qua CIPS có thể vẫn phải dựa vào SWIFT để chuyển tải báo cáo tài chính xuyên biên giới.

Trong một bản báo cáo năm 2020, BOCI (công ty con thuộc sở hữu của Ngân hàng Trung Quốc - Bank of China) đã nhấn mạnh, đối với các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc, CIPS có thể hoạt động đầy đủ như một hệ thống nhắn tin mà không có rủi ro tiết lộ thông tin giao dịch cho Mỹ.

Ba là, cơ chế hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) do Châu Âu và Iran phối hợp xây dựng nhằm thực hiện giao dịch thương mại không sử dụng đồng USD với Iran. Tuy nhiên, do sự ngăn cản của Mỹ nên dường như không thể sử dụng thực chất.

Giá khí đốt ở Châu Âu tăng cao và nhanh sau xung đột Nga - Ukraina. Ảnh internet
Giá khí đốt ở Châu Âu tăng cao và nhanh do chiến sự giữa Nga - Ukraina. Ảnh internet.

Rõ ràng, mặc dù quy mô vẫn khá hạn chế, nhưng hiện nay xem ra CIPS do Trung Quốc xây dựng có tính bao trùm và phù hợp hơn, có khả năng cạnh tranh với hệ thống SWIFT.

Do đó, mặc dù diễn biến thị trường tổng thể suy yếu, nhưng khái niệm CIPS của Trung Quốc lại bùng nổ, các cổ phiếu liên quan lần lượt tăng, thậm chí đạt mức trần. Điều này đã dẫn đến một số phân tích bình luận phấn khích, cho rằng "không nên lãng phí một cuộc khủng hoảng", loại Nga khỏi SWIFT chính là khởi đầu cho sự sụp đổ quyền thống trị của đồng USD.

Trưởng bộ phận nghiên cứu trái phiếu của Công ty chứng khoán CITIC (Trung Quốc) Minh Minh cũng cho rằng, chú trọng phát triển CIPS và đồng NDT kỹ thuật số có tính tất yếu và cấp bách nhất định trong việc đẩy mạnh tiến trình quốc tế hóa đồng NDT.

Hệ thống CIPS có thể thúc đẩy phát triển quốc tế hóa đồng NDT, đồng thời ở mức động nhất định cũng có thể giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào hệ thống SWIFT.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga chắc chắn sẽ đẩy nhanh tiến trình tham gia CIPS của Nga. Trong nửa đầu năm 2021, thanh toán bằng đồng NDT đã chiếm 28% xuất khẩu của Nga đối với Trung Quốc, trong khi năm 2013, tỷ lệ này chỉ là 2%. Nguyên nhân là hai nước này đều đang tăng cường giảm mạnh sự phụ thuộc vào đồng USD, đồng thời phát triển hệ thống thanh toán xuyên biên giới của nhau.

Mặc dù có ý kiến cho rằng việc loại Nga ra khỏi SWIFT là sự kiện bước ngoặt thúc đẩy tiến trình phi USD hóa, xét về dài hạn điều này rất có lợi đối với toàn cầu hóa đồng NDT.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhấn mạnh, nếu điều này khiến SWIFT cắt đứt các dịch vụ đối với nhiều quốc gia duy trì giao dịch và trao đổi vốn với Nga, thì sẽ thúc đẩy thế giới chia rẽ nghiêm trọng và hình thành hai phe đối lập gay gắt, gây nên mối đe dọa lớn hơn đối với phát triển toàn cầu hóa kinh tế, hòa bình và ổn định của thế giới.

SWIFT ra đời vào năm 1973, trụ sở chính đặt ở thủ đô Brussels của Bỉ, chức năng chủ yếu là chuyển thông tin thanh toán giữa hệ thống ngân hàng toàn cầu. Hiện nay, hơn 11.000 tổ chức ngân hàng, chứng khoán, cơ sở hạ tầng thị trường và khách hàng doanh nghiệp của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu đều thông qua hệ thống này để chuyển báo cáo tài chính.

Nguồn Báo Quốc tế

Bài liên quan

Tin mới

Đức “thu hoạch” được những gì ở Trung Á?
Đức “thu hoạch” được những gì ở Trung Á?

Thủ tướng Olaf Scholz trở thành Thủ tướng Đức đầu tiên đến thăm khu vực Trung Á sau nhiều thập kỷ. Ông muốn lắng nghe lãnh đạo các đối tác Trung Á đánh giá các diễn biến ở Nga và vấn đề tuân thủ các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây tại Trung Á.

Bầu cử Mỹ 2024: Bà Harris đang cố gắng có một cuộc tranh luận nữa với ông Donald Trump
Bầu cử Mỹ 2024: Bà Harris đang cố gắng có một cuộc tranh luận nữa với ông Donald Trump

Liên quan đến Bầu cử Mỹ 2024, một cuộc thăm dò gần đây của tờ New York Times/Siena cho thấy, dù bà Harris dẫn trước ở bang chiến địa Pennsylvania, song cả 2 ứng cử viên dường như vẫn "ngang tài ngang sức" trên toàn quốc.

Công ty Thanh Sơn Hóa Nông bị xử phạt vì buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả
Công ty Thanh Sơn Hóa Nông bị xử phạt vì buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả

Mới đây, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) tỉnh Hậu Giang đã phát hiện lô hàng Thuốc trừ sâu CARADAN 5GR, loại 1kg/gói của Công ty TNHH TM - DV Thanh Sơn Hóa Nông (phân phối) giả về giá trị sử dụng, công dụng.

Củng cố hơn nữa tin cậy chính trị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
Củng cố hơn nữa tin cậy chính trị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, chuyến công tác tới Hoa Kỳ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ góp phần củng cố hơn nữa tin cậy chính trị và lòng tin chiến lược, đảm bảo nguyện vọng của nhân dân hai bên.

Yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến vụ Mái ấm Hoa Hồng
Yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến vụ Mái ấm Hoa Hồng

Liên quan đến vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, chiều ngày 20/9 bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM đã giao UBND quận 12 rà soát, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan trong quản lý nhà nước để xảy ra vụ việc trên địa bàn (nếu có)…

Bắt giam quản lý trả lương cho công nhân bằng ma túy
Bắt giam quản lý trả lương cho công nhân bằng ma túy

Thay vì trả tiền lương bằng tiền cho công nhân thì đối tượng quản lý xây dựng công trình lại trả bằng ma túy. Vụ việc vừa bị Công an huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đấu tranh, triệt phá.