Mô hình mới tạo sự thống nhất xuyên suốt và tạo bước đột phá
Căn cứ Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2021, định hướng đến năm 2030 và Chương trình hành động số 181- CTr/TU ngày 21/02/2018 triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng Đề án tổ chức lại Văn phòng Phát triển kinh tế (trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư), Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (trực thuộc Sở Công Thương) và Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thành Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch theo đúng chủ trương, quy định tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất, phê duyệt tại Quyết định số 954/QĐ-TTg ngày 15/8/2023.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 88/2023/QĐ-UBND ngày 20/11/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận theo thẩm quyền để tổ chức hoạt động theo quy định.
Theo Báo cáo số 231/BC-UBND ngày 09/9/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh, việc sắp xếp, hợp nhất 03 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các Sở thành Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh tạo sự thống nhất, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các hoạt động về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; khắc phục sự manh mún, phân tán, giúp quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng tính kết nối giữa các sở, ban, ngành khi xử lý các công việc liên quan.
Từ đó, đã tạo bước đột phá, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tham mưu, triển khai các nhiệm vụ về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp khi đầu tư vào Tỉnh.
Kết quả hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch năm 2024
Sau 01 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch đã đạt được một số kết quả tích cực, cụ thể:
Công tác Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch
Lĩnh vực xúc tiến đầu tư được đổi mới nội dung, phương thức, có trọng tâm, trọng điểm, trong năm 2024 phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận năm 2024 (Quyết định số 234/QĐ-UBND ngày 12/4/2024); tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Danh mục 55 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư tỉnh Ninh Thuận tại Quyết định số 193/QĐ-UBND ngày 30/3/2024 làm cơ sở để kêu gọi đầu tư, trọng tâm đã tham mưu tổ chức thành công 03 Hội nghị xúc tiến, gồm: Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư vào tỉnh; Hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận tại Đồng Nai, Thành Phố Hồ Chí Minh, với tổng số trên 920 đại biểu tham dự, tạo sự lan tỏa tốt, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước; đồng thời, đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức tiếp đón và làm việc với trên 30 lượt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến Ninh Thuận tìm hiểu tiềm năng, lợi thế và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh; đã hướng dẫn thủ tục đầu tư cho 20 nhà đầu tư đăng ký các lĩnh vực năng lượng tái tạo, đô thị, nông nghiệp, du lịch…. Qua đó, đẩy mạnh hoạt động kết nối, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế chính sách ưu đãi, môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, nhất là tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Kết quả trong năm 2024, Trung tâm đã phối hợp với các Sở, ngành và địa phương hỗ trợ Nhà đầu tư hoàn tất thủ tục hồ sơ, pháp lý, đủ điều kiện liên quan để UBND tỉnh cấp: (1) Quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 08 dự án với tổng vốn đầu tư 24.077 tỷ đồng; (2) Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư để lựa chọn Nhà đầu tư cho 05 dự án với tổng vốn đầu tư 7.808 tỷ đồng; (3) tham mưu UBND tỉnh ký kết Bản ghi nhớ 07 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 120.000 tỷ đồng; đồng thời, phối hợp kết nối các sở ngành ký kết 18 Bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát, phát triển các dự án tại Tỉnh tại các Hội nghị xúc tiến Đồng Nai, TP. HCM. Đặc biệt, thu hút FDI, Ninh Thuận nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước (tổng vốn trên 1.214 triệu USD).
Công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm
OCOP đặc thù của tỉnh được chú trọng đạt kết quả tích cực. Trong năm, đã tổ chức thực hiện 13 hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ 225 lượt doanh nghiệp trong tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu, kết nối sản phẩm tại các sự kiện xúc tiến, quảng bá trong và ngoài tỉnh; nổi bật là phối hợp tổ chức sự kiện kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp trong tỉnh với Tập đoàn Central Retail Việt Nam, kết quả đã có 20 doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng với Tập đoàn để đưa các sản phẩm vào chuỗi hệ thống siêu thị GO! trên toàn quốc; và tổ chức thành công sự kiện Hội nghị đón tiếp đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc tại Tỉnh, giao dịch mua hàng với các địa phương khu vực Nam Trung Bộ tại Ninh Thuận, với sự tham gia của 25 đại biểu là Lãnh đạo các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc và 64 doanh nghiệp, hợp tác xã của các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định tham gia sự kiện. Qua đó, đã có 18 Doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các Doanh nghiệp Hàn Quốc để tiếp tục xúc tiến kết nối xuất khẩu hàng hóa.
Ngoài ra, thực hiện hỗ trợ 94 doanh nghiệp tham gia Sàn thương mại điện tử của tỉnh với 368 sản phẩm được giới thiệu trên Sàn thương mại điện tử. Đến nay, nhiều mặt hàng nông sản đã được xuất khẩu như: nhân điều, nha đam, măng tây, hành tím, táo xanh, táo sấy. Đặc biệt, các sản phẩm chế biến từ nha đam đã xuất qua 22 quốc gia, với tổng giá trị khoảng 3,5 triệu USD/năm.
Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được chú trọng, đổi mới phương thức xúc tiến đa dạng, đồng bộ góp phần thu hút lượng khách du lịch đến tỉnh trong năm tăng cao; đã tham mưu tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch đối với các nước có lượng khách du lịch lớn và tiềm năng như Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), gồm: Chương trình gặp gỡ doanh nghiệp du lịch tỉnh Ninh Thuận và thành phố Gwangju, Jeju (Hàn Quốc); Hội nghị gặp gỡ kết nối doanh nghiệp du lịch Ninh Thuận và Bang Kerala, Ấn Độ; Chương trình khảo sát, xúc tiến du lịch tại Tứ Xuyên (Trung Quốc); tham gia Chương trình Quảng bá địa phương Việt Nam tại Hà Lan - Đức; tham gia Hội nghị và xúc tiến du lịch Việt Nam tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc),… tham gia giới thiệu quảng bá tại nhiều sự kiện du lịch văn hóa lớn trong nước như: Hội chợ Du lịch Quốc tế ITE HCMC, VITM Hanoi, Ngày hội Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Đà Nẵng năm 2024, góp phần thu hút khách du lịch năm 2024 đạt 3.400 ngàn lượt khách, vượt mục tiêu 6,3% so với kế hoạch đề ra, trong đó khách quốc tế ước đạt 100.000 lượt khách tăng 150% so với năm 2023.
Công tác tổ chức đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ được quan tâm triển khai thực hiện; Trung tâm đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt tổ chức 05 lớp tập huấn cho trên 330 lượt học viên là Lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh về công tác chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động quảng bá bán hàng theo phương thức thương mại điện tử và nghiệp vụ hướng dẫn viên tại điểm và lớp Marketing du lịch.
Qua đó giúp đội ngũ quản lý, nhân viên các doanh nghiệp nâng cao kiến thức, kỹ năng, đổi mới phương thức trong hoạt động kinh doanh.
Công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh được tăng cường, xây dựng nhiều chuyên mục tin bài, video clip tuyên truyền, quảng bá du lịch của tỉnh trên các chuyên mục Tạp chí du lịch trên Đài Phát thanh và Truyền hình NTV, VTV, VTC, VTV9… và các cơ quan báo chí. Trong năm 2024, đã có trên 400 lượt tin, bài viết liên quan thu hút đầu tư, hoạt động thương mại, xúc tiến du lịch của tỉnh; đã xây dựng hoàn thành Cổng thông tin điện tử của Trung tâm (https://ittc.ninhthuan.gov.vn), đến nay đã có trên 86.000 lượt truy cập; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua ứng dụng các nền tảng số (Zalo OA, Fanpage, ứng dụng du lịch thông minh), góp phần tạo sự lan tỏa sâu rộng hình ảnh của tỉnh Ninh Thuận đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước.
Công tác tư vấn đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; Trung tâm đã ký kết Quy chế phối hợp với 05 Hiệp hội Doanh nghiệp (Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Hiệp hội Du lịch tỉnh; Hiệp hội Giống Thủy sản tỉnh; Hiệp hội Yến sào tỉnh; Hội Doanh nhân trẻ) để phối hợp cung cấp các thông tin, nắm bắt tình hoạt động của doanh nghiệp; tổng hợp, kiến nghị đề xuất các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tham mưu tổ chức 09 Hội nghị Gặp mặt doanh nghiệp định kỳ, hàng tháng, quý với tổng số trên 250 doanh nghiệp tham gia, qua đó đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 37 doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, xây dựng, đầu tư... phối hợp với các Sở, ngành và địa phương rà soát, tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc cho 22 lượt Nhà đầu tư, qua đó giúp các Nhà đầu tư tháo gỡ các vướng mắc về các thủ tục pháp lý trong thực hiện thủ tục về đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Phối hợp tổ chức thành công Hội thảo đánh giá, phân tích các nội dung tác động đến Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 và giải pháp nâng cao Chỉ số PCI tỉnh Ninh Thuận năm 2024 và những năm tiếp theo.
Công tác Khuyến công, Sản xuất và tiêu dùng bền vững, Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Công tác Khuyến công, Sản xuất và tiêu dùng bền vững, Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được duy trì, trong năm đã triển khai 12 đề án tuyên truyền, hỗ trợ đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, tiết kiệm năng lượng thuộc chương trình khuyến công địa phương với tổng kinh phí 1.376 triệu đồng; triển khai hỗ trợ hướng dẫn cho 12 doanh nghiệp đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024 cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên, kết quả có 06 sản phẩm đạt giải.
Thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư các Cụm Công nghiệp Quảng Sơn và Tháp Chàm
Sau khi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Quảng Sơn tại Quyết định số 369/QĐ-UBND ngày 30/6/2024, Trung tâm đã tiếp nhận hồ sơ hạ tầng kỹ thuật và triển khai thu hút, tiếp nhận các dự án thứ cấp vào cụm công nghiệp. Trong năm 2024, Trung tâm đã thực hiện thỏa thuận nguyên tắc về địa điểm đăng ký đầu tư cho 05 dự án với tổng diện tích 136.756,1m2, hiện các nhà đầu tư đang hoàn tất các thủ tục pháp lý đăng ký cấp quyết định chủ trương đầu tư để thực hiện theo quy định.
Hiện nay, Trung tâm đang triển khai xây dựng lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng bằng đèn năng lượng mặt trời trên tuyến đường nội bộ của Cụm công nghiệp Tháp Chàm với tổng kinh phí thực hiện là 433,210 triệu đồng.
Định hướng phát triển, thu hút và kêu gọi đầu tư của tỉnh trong thời gian tới
Hiện tại, Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, được Quốc hội, Chính phủ đã có chủ trương triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy mạnh việc gia tăng tính kết nối phát triển Ninh Thuận với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; xây dựng Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận và dự kiến xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Nha Trang - TP.HCM khởi công năm 2027 và đưa vào khai thác năm 2033; xây dựng Quy hoạch chung khu du lịch quốc gia Ninh Chữ, cảng biển tổng hợp Cà Ná, cảng cạn và trung tâm logistics; đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông qua Tỉnh hoàn thành vào tháng 04/2024 cùng với tuyến đường ven biển dài 105 km từ Bình Tiên đến Cà Ná đã hoàn thành đi vào sử dụng, mang lại ý nghĩa quan trọng đối với Tỉnh và lợi ích nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng lợi thế của tỉnh.
Quy hoạch chiến lược tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023, với tầm nhìn chiến lược về “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt” tạo dựng những giá trị khác biệt để tạo ra năng lực cạnh tranh nền kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh tạo dư địa cho tăng trưởng.
Quy hoạch xác định chọn 5 cụm ngành đột phá, gồm: Năng lượng và năng lượng tái tạo; Du lịch chất lượng cao; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Xây dựng và thị trường bất động sản. UBND tỉnh Ninh Thuận tập trung đầu tư và kêu gọi các dự án trọng điểm của tỉnh, cụ thể:
(1) Cơ sở hạ tầng: Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm tăng tính kết nối vùng, phát huy hiệu quả hệ thống giao thông và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, như: Hạ tầng cảng biển tổng hợp Cà Ná; tuyến đường bộ kết nối cao tốc với Khu Công nghiệp và Cảng biển tổng hợp Cà Ná; tuyến đường sắt kết nối với Nhà ga Cà Ná đến Cảng biển; hệ thống giao thông kết nối cảng với đường liên vùng lên các tỉnh Nam Tây Nguyên; đường sắt Tháp Chàm Đà Lạt; Cảng cạn và Trung tâm logistics hạng II.
(2) Lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo: Mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước, phấn đấu đến năm 2030 năng lượng, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong toàn tỉnh.
Trong đó, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới (hydro, thủy triều, sinh khối,…) với hệ thống các nhà máy năng lượng tái tạo đã đi vào hoạt động và đang triển khai xây dựng, trong đó một số dự án lớn đang triển khai như Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1 (1.500MW), dự án nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái 1.200MW, dự án nhà máy thủy điện tích năng Phước Hòa 1.200MW. Phát triển nguồn năng lượng Hydro xanh từ việc sử dụng năng lượng tự tiêu, năng lượng tái tạo tại chỗ hướng đến ngành công nghiệp xanh phù hợp với cam kết tại COP26.
Theo Quyết định số 1281/QĐ-TTg ngày 29/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xây dựng Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận.
(3) Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch: Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư xây dựng khu dịch vụ hỗn hợp khách sạn, thương mại, dịch vụ cao cấp, cơ sở du lịch đặc thù, khác biệt có tính cạnh tranh cao như du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn, các khu du lịch chuyên đua mô tô địa hình trên cát, dù lượn, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng chăm sóc sức khỏe... để hình thành các sản phẩm du lịch.
Thu hút đầu tư Trung tâm logistics Cà Ná, Cảng cạn để nâng cao dịch vụ, tạo động lực phát triển công nghiệp. Ninh Thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2045, mục tiêu thu hút đầu tư phát triển các khu vực ven biển tỉnh Ninh Thuận, trở thành một trong các vùng du lịch trọng điểm quốc gia, là điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có sức cạnh tranh cao trong khu vực, cả nước và quốc tế.
(4) Lĩnh vực công nghiệp: Ninh Thuận có lợi thế về quỹ đất, còn nhiều dư địa cho phát triển, cơ hội tăng trưởng cao, với giá đất thấp hơn nhiều (bằng khoảng 20-30%) so với mức giá của các tỉnh trong khu vực.Ninh Thuận có 03 Khu công nghiệp (Du Long, Phước Nam, Thành Hải) với tổng diện tích 855,187ha và 01 khu công nghiệp Cà Ná 827ha đang trình chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện tại, các Khu công nghiệp mới lấp đầy khoảng 20%, còn quỹ đất khá lớn, chi phí thuê hạ tầng bằng 30% so với bình quân cả nước, là điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận đất đai.
Các khu, cụm công nghiệp của tỉnh thuận lợi về giao thông, có cảng biển nước sâu khả năng tiếp nhận tàu công suất đến 300.000DWT, hướng đến là Cảng trung chuyển quốc tế, gắn với trung tâm logistic của khu vực. Bên cạnh đó, các dịch vụ điện, nước và hạ tầng thiết yếu khác được đảm bảo, quỹ đất còn khá lớn là điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận đất đai.
Ưu tiên phát triển các loại hình công nghiệp sạch, sản xuất sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến....; tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án tạo đột phá trong tăng trưởng ngành công nghiệp như: Tổ hợp nhà máy hóa chất sau muối, Dự án Nhà máy sản xuất Hydrogen,…
(5) Nông nghiệp, thủy sản: Ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị gia tăng cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để có sức cạnh tranh cao, tạo sản phẩm hàng hóa đặc trưng cho tỉnh như cây nho, táo, tỏi….Phát triển mạnh ngành chăn nuôi vốn là thế mạnh của tỉnh với các loại vật nuôi như bò, dê, cừu; xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm sản xuất giống thủy sản chất lượng cao của cả nước, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của khu vực.
(6) Xây dựng và kinh doanh bất động sản: Tập trung thu hút xây dựng các khu đô thị mới, khu dân cư, nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu đầu tư, xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng của đô thị - nông thôn đồng bộ, hiện đại, góp phần phát triển kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững, nâng cao chất lượng sống tại đô thị, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị.
Chính sách ưu đãi đầu tư:
Tỉnh Ninh Thuận cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, khai thác tiềm năng phát triển của Tỉnh trong thời gian tới.
Theo đó, áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Nhà nước theo quy định của Luật đầu tư, Luật đất đai, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế xuất nhập khẩu. Toàn bộ các huyện của Tỉnh thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được hưởng khung chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo địa bàn đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Đối với lĩnh vực ngành, nghề ưu đãi đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 31/2021/ND-CP ngày 26/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Năm 2024, với sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; Sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, địa phương; Sự nòng cốt của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch, Công tác Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành động lực tạo bước đột phá cho sự phát triển Kinh tế- Xã hội của địa phương, chắc chắn sẽ còn phát triển lên tầm cao mới trong thời gian tới.
MN- VT