Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII (Hội nghị Trung ương 7) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội ngày 15/5 và kéo dài đến ngày 17/5.
Tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đây là một Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; để từ đó, đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khoá XIII”.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, kể từ Hội nghị Trung ương 7 khóa VII (1994) đến nay, Trung ương mới tiến hành tổng kết vào giữa nhiệm kỳ, cả về lý luận và thực tiễn. Các hội nghị giữa nhiệm kỳ những khóa gần đây chỉ đánh giá chung và nhấn mạnh một số nội dung chứ không đặt vấn đề tổng kết sâu sắc, đầy đủ như lần này. “Do thách thức cả trong nước và quốc tế, tác động của suy thoái kinh tế, sự bất ổn về chính trị… đặt ra những vấn đề về an ninh, quốc phòng rất quan trọng. Rồi thách thức ở trong nước như dịch bệnh, những vấn đề mới nổi lên về kinh tế- xã hội… nên chúng ta cần phải tiến hành tổng kết. Từ tổng kết đó để đưa ra các quyết sách mới cả về kinh tế- chính trị- xã hội, đối nội, đối ngoại”- PGS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.
Cùng chung nhận định, theo PGS.TS Phạm Tất Thắng – Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, thực tiễn trong hai năm rưỡi qua có rất nhiều diễn biến mới, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, thách thức đan xen, phức tạp, nặng nề hơn. Những kết quả đã đạt được cũng như hạn chế trong hoạt động lãnh đạo của Đảng cũng cần được xem xét như một dạng sơ kết giữa nhiệm kỳ, để đánh giá xem trong thời quan qua chúng ta đã thực hiện được các chỉ tiêu, kế hoạch, chương trình theo Nghị quyết Đại hội XIII với các kết quả cụ thể như thế nào, đặc biệt là xem xét những vấn đề mới phát sinh trong tình hình mới, để từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ.
Ngày 8/5/2023, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp, thảo luận kỹ lưỡng và cho nhiều ý kiến chỉ đạo xác đáng để hoàn thiện Báo cáo trình Trung ương lần này.
Báo cáo đã đề cập một cách khách quan, toàn diện bối cảnh tình hình thế giới, trong nước từ Đại hội XIII đến nay với những diễn biến nhanh chóng, bất thường và có nhiều khó khăn, phức tạp hơn so với dự báo cũng như so với cùng thời điểm các nhiệm kỳ trước; chỉ rõ những ưu điểm nổi bật, những hạn chế, khuyết điểm chủ yếu, và phân tích nguyên nhân, rút ra một số bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế; xây dựng, hoàn thiện pháp luật và nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; và đặc biệt là việc đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc.
Đồng thời, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng phân tích, dự báo tình hình thế giới và trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khoá XIII.
Minh An(Th)