Theo đó, khách hàng sử dụng điện và Nhân dân địa phương nơi có lưới điện đi qua không được sử dụng dây, cọc để chằng néo nhà, công trình, thuyền bè vào cột điện và trạm điện, hoặc có hành vi vi phạm khoảng cách với đường dây điện gây mất an toàn cho người và gia súc, gây sự cố lưới điện.
Không di chuyển, đi lại bằng tàu, thuyền, bè… trong vùng ngập, lụt có đường dây điện sát với mặt nước không đảm bảo khoảng cách an toàn, tránh bị phóng điện gây tai nạn.
Kiểm tra, củng cố dây dẫn điện, cột điện sau công tơ, không để dây dẫn điện đứt ngập trong nước khi có mưa, lũ lớn; các mối nối phải chắc chắn, có bọc băng keo cách điện; vỏ dây dẫn điện không bị nứt vỡ, bong tróc; không buộc dây dẫn điện lên các bộ phận bằng kim loại của nhà xưởng, công trình kiến trúc.
Người dân phối hợp chính quyền địa phương và Điện lực sở tại tiến hành chặt, tỉa cây cối nằm trong hành lang đường dây dẫn điện. Đối với các cây cao, khi chặt phải có biện pháp đảm bảo an toàn, tránh trường hợp cây đổ đè lên đường dây gây mất an toàn và sự cố đường dây.
Khi có mưa bão, dông sét, người dân cần hạn chế ra đường nhằm tránh các sự cố bất ngờ xảy ra như: sét đánh, dây điện đứt, cột điện đổ, rò điện... Đặc biệt, không được chạm vào cột điện, dây chằng cột điện, dây nối đất cột điện, không đứng dưới cột điện, phòng điện giật do rò điện.
Khi bị ngập úng cần cắt nguồn điện trong gia đình (cầu dao, aptomat tổng) và không chạm vào bất cứ thiết bị, dụng cụ điện nào khi tay ướt hoặc đi chân trên nền ướt.
Khi thấy cột điện bị nghiêng, gãy đổ, dây điện bị trùng, võng thấp hoặc bị đứt, rơi xuống thì không được đến gần, cầm, nắm vào dây điện và ngăn không cho người, phương tiện, gia súc đến gần quá 10m (đối với đường dây cao thế). Đồng thời, nhanh chóng báo cho Điện lực sở tại theo số điện thoại ghi trong hóa đơn tiền điện hoặc tổng đài CSKH 19006769 và chính quyền địa phương gần nhất để có biện pháp xử lý.
Lê Nam