Trường học trong vòng vây đồ ăn vặt bẩn - Hình 1

Trẻ 8 – 9 tuổi chưa thể biết phân biệt thực phẩm có an toàn hay không nhưng đã có thể tự mua đồ ăn vặt ở cổng trường

Hiểm họa từ đồ ăn vặt cổng trường

Dạo một vòng quanh các trường Tiểu học, THCS, THPT trên cả nước, chúng ta sẽ dễ dàng thấy được những quầy hàng vỉa hè bán đồ ăn vặt cho học sinh. Với đầy đủ các món ăn khoái khẩu của những cô cậu học trò như: trà sữa, xúc xích rán, bánh bèo, xoài dầm, bánh tráng, rồi cả những loại thực phẩm được đóng gọi bắt mắt, hấp dẫn như: bim bim, thịt hổ, gậy cay, bắp bò nướng, thịt cay... có giá rẻ đến hoang mang, chỉ từ 1.000 - 5.000 đồng là có thể dễ dàng mua được những thứ quà này. 

Vào giờ tan học, khu vực xung quanh cổng trường luôn nhộn nhịp “kẻ mua người bán”. Không khó để nhận thấy cảnh các em học sinh vừa tan trường đã lao ngay ra quán để thưởng thức món hàng mình ưa thích.

Em L.P (Nghệ An) cho biết: “Hôm nào, trước khi đi học mẹ cũng cho em tiền ăn sáng, nhưng em chỉ ăn một nửa, còn một nửa giữ lại để tan học đi ăn bánh tráng và gà cay với các bạn”. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh vì chiều con mà “tận tay” mua những đồ ăn không rõ nguồn gốc ấy cho con mình.

Những thức ăn nhanh, ăn vặt được chế biến ngay trên vỉa hè, có màu sắc bắt mắt, mùi vị hấp dẫn dễ dàng thu hút các em nhỏ, nhưng tuyệt nhiên đều không có hạn sử dụng hay thông tin nguồn gốc xuất xứ. Còn chưa nói đến, gần như những quán ăn vặt tại cổng trường đều bày bán giữa đường phố, chế biến tại chỗ, bất chấp bụi bẩn, khói xe, người chế biến không hề đeo găng tay hay bất kỳ dụng cụ vệ sinh nào khác.

Thậm chí, nhiều hàng quán còn bày bán đồ ăn ngay sát cống rãnh, mương nước... chứa nhiều vi khuẩn, kí sinh trùng, tác nhân gây bệnh gây hại tới sức khỏe. Bản thân các em học sinh, trước khi vào học hoặc sau khi tan học cũng mua rồi vội vã ăn ngay mà không rửa tay, làm tăng khả năng nhiễm giun sán và các bệnh đường tiêu hóa.

Đồ ăn vỉa hè có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn e.coli gây bệnh tiêu chảy, nhiễm chì gây ức chế và phá vỡ hồng cầu, nhiễm thủy ngân gây ngộ độc, ung thư và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. 

Nguyên nhân khiến đồ ăn vặt tại các trường học luôn hấp dẫn phải nói đến người bán hàng luôn nắm bắt được tâm lí thích ăn quà vặt của học sinh, những hàng ăn di động với đa dạng những món ăn vặt rất bắt mắt, phù hợp với khẩu vị, túi tiền của trẻ em. Vì vậy, các em học sinh rất dễ bị thu hút, chỉ cần có cơ hội là sẽ mua ngay lập tức. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, thu hút khách hàng nên các chủ hàng thường không quan tâm đến vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đồng thời, cũng phải nói đến sự buông lỏng quản lí, thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng, nhà trường và sự thiếu quan tâm, tìm hiểu của các bậc làm cha mẹ, đã khiến các hàng quán ăn vặt vỉa hè có cơ hội mọc lên như nấm sau mưa. 

Đâu là hướng đi?

Trường học trong vòng vây đồ ăn vặt bẩn - Hình 2

Những quán ăn vặt luôn hấp dẫn học sinh mọi lứa tuổi nhưng nguồn gốc thực phẩm thì khó có thể kiểm soát

Cách tuyên truyền tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của học sinh hiện nay là chính cha mẹ học sinh phải dạy con, thậm chí là răn đe để con từ bỏ thói quen ăn quà vặt cổng trường và nơi công cộng. Phụ huynh cần phải hiểu rõ những tác động, hậu quả khôn lường của chất hóa học, chất bảo quản đến sức khỏe con trẻ. Đừng vì chiều con, thấy con đòi mà vô hình chung đã “tự tay” làm hại con. Không chỉ là gia đình mà nhà trường cũng cần phải có những hình thức tuyên truyền, nhắc nhở học sinh tránh xa đồ ăn bẩn.

Nếu có thể, hãy xây dựng nhà ăn, cantin trong khuôn viên trường học để đáp ứng nhu cầu ăn uống của học sinh; phối hợp cùng với cha mẹ học sinh quản lí tốt hơn việc ăn uống của các em. Nhà trường phải là nơi cung cấp thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và cam kết đảm bảo an toàn.

Các cơ quan chức năng, cấp ngành địa phương cần phối hợp với cơ quan y tế, trường học tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm, biện pháp chống ngộ độc thực phẩm, cách phân biệt thực phẩm bẩn - sạch cho phụ huynh, học sinh, giúp phụ huynh và học sinh hiểu rõ những ảnh hưởng đến cơ thể, sức khỏe mà thực phẩm bẩn gây ra.

Cùng với đó, để có thể “xóa sổ” những quán hàng rong, quà vặt xung quanh cổng trường không chỉ dừng lại ở vài câu nhắc nhở hay những biển hiệu cấm. Các cơ quan địa phương cần tổ chức kiểm tra, bố trí các đội chốt trực, xử lí nghiêm những hành vi vi phạm.

Nếu nhắc nhở không được thì cần kiên quyết thu giữ bàn ghế, hàng hóa, cấm buôn bán. Những người có nhu cầu kinh doanh đồ ăn vặt cho học sinh phải có vị trí cửa hàng cố định, không ảnh hưởng tới an toàn giao thông, an ninh trật tự, cam kết về đảm đảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phải đăng kí kinh doanh với chính quyền địa phương.

Các cơ quan chức năng cần phải giám sát, kiểm tra thường xuyên các cơ sở ăn uống xung quanh trường học, giải quyết triệt để vấn đề về hàng hóa, nguyên liệu không rõ nguồn gốc.

Hy vọng với sự vào cuộc kiên quyết, mạnh mẽ của cả cộng đồng, vấn nạn quà vặt trước cổng trường sẽ sớm được dẹp bỏ, để nó không còn là nỗi ám ảnh của gia đình, nhà trường và xã hội.

Theo Nguyệt Tú/TC.Gia đình & Trẻ em