Nền tảng cho sản xuất, lưu thông hàng hoá
Theo TS. Nguyễn Hoàng Linh:
"Người ta thường đặt câu hỏi đối với mỗi sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường: Có thông tin chi tiết về sản phẩm không? Câu hỏi tuy ngắn, nhưng để trả lời đầy đủ được thì lại là một câu chuyện khá dài và là thông tin được theo dõi đến từng bước nhỏ từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ - đó chính là thông tin truy xuất nguồn gốc.
Như vậy, có thể nói, thông tin truy xuất nguồn gốc cũng là nền tảng cho việc sản xuất và lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế 4.0. Nguồn thông tin này, có thể được dùng vào rất nhiều việc, trong đó có việc tối ưu hoá quá trình sản xuất, phân phối, dự báo, tuân thủ quy định xuất nhập khẩu"...
Với xu hướng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh mạnh mẽ như hiện nay, việc áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến để định danh sản phẩm, thu thập, lưu trữ và chia sẻ thông tin truy xuất nguồn gốc là nhu cầu tất yếu. Giải pháp cho vấn đề đó là Hệ thống truy xuất nguồn gốc. Nói cách khác, Hệ thống truy xuất nguồn gốc là hệ thống phục vụ hoạt động định danh sản phẩm, thu thập và lưu trữ thông tin về sản phẩm theo thời gian, địa điểm nhằm quản lý thông tin về chất lượng của sản phẩm.
Trước tình hình thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm chứa chất cấm, độc hại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng… thì truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn - trở thành vấn đề quan tâm chung của toàn cầu.
Trong bối cảnh nhiều thị trường trên thế giới đều yêu cầu ngày càng cao đối với hàng hóa của Việt Nam, trong đó truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc, phải kể đến là các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật… và cả thị trường Trung Quốc.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đưa ra những quy tắc mà trong đó, vấn đề về nguồn gốc xuất xứ được đề cao. Theo đó, hàng hoá Việt muốn xuất khẩu sang EU, phải tuân thủ nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc, đặc biệt với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Điều 2.9 VEFTA đề cập đến ưu đãi thuế quan, nhưng cần đảm bảo xác định tình trạng và bằng chứng xuất xứ của một sản phẩm và các sản phẩm có liên quan. Khi thuế về 0% nhưng chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật là điều quan trọng nhất. Việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ hay vượt qua được các rào cản kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật là các vấn đề đáng quan ngại đối với nhiều doanh nghiệp. GlobalG.A.P. hiện là tiêu chuẩn tối thiểu để các sản phẩm vào được các siêu thị ở EU, vì thế doanh nghiệp Việt phải đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn này.
Trong khi đó, Tiêu chuẩn GlobalG.A.P. yêu cầu người sản xuất phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát từ khâu canh tác đến thu hoạch, chế biến bởi GlobalG.A.P. tập trung vào yếu tố an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Trung Quốc - thị trường lớn của Việt Nam, những năm gần đây, cũng đã ban hành nhiều chính sách kiểm soát thương mại biên mậu và kiểm tra an toàn thực phẩm, trong đó yêu cầu phải thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Theo các hướng dẫn về kiểm soát hàng hóa nhập khẩu của hải quan Trung Quốc thì:
Thực hiện Luật An toàn thực phẩm 2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248 ngày 12/04/2021 về “Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Công hòa nhân dân Trung Hoa” và Lệnh số 249 ngày 14/4/2021 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, các quy định này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/202.
Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc phải chủ động trong kế hoạch kinh doanh, đáp ứng đúng các quy định kiểm soát của Trung Quốc như nguồn gốc xuất xứ, bao bì nhãn mác, chất lượng hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn thương mại... đối với hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc, phải được cơ quan Hải quan Trung Quốc xác nhận truy xuất nguồn gốc.
Tại Việt Nam, cùng với sự vận động của thị trường, yêu cầu đối với hàng hoá của người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn theo xu hướng tìm hiểu sâu về thông tin của các sản phẩm, hàng hóa. Sự quan tâm của người tiêu dùng, đã không chỉ giới hạn ở chất lượng hay mẫu mã, mà còn bao gồm cả các thông tin liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm và đưa sản phẩm cuối cùng đến khách hàng, đặc biệt với những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ như nông sản, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm…
Áp dụng tem truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam
Theo TS. Nguyễn Hoàng Linh, thực tế, hoạt động truy xuất nguồn gốc và áp dụng tem truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam, tồn tại một số vấn đề khó khăn, bất cập, như:
Truy xuất nguồn gốc, mới chỉ tập trung áp dụng ở một số sản phẩm và một số thị trường lớn;
Hệ thống truy xuất nguồn gốc mang tính khép kín, không có khả năng mở để các bên tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc này có thể tham gia với các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác;
Truy xuất nguồn gốc đòi hỏi tính chuẩn hóa cao, yêu cầu các bên tham gia truy xuất nguồn gốc cần thống nhất dùng chuẩn chung; tuy nhiên, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún gây hạn chế cho việc thống nhất giữa các bên tham gia truy xuất nguồn gốc;
Các giải pháp truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam chưa được kết nối và có được sự thừa nhận của quốc tế gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu;
Việc khai báo, cập nhật thông tin truy xuất, in và dán tem chưa được kiểm soát;
Chưa có chương trình, hệ thống, cơ quan đánh giá chứng nhận các hệ thống truy xuất nguồn gốc mang tính khách quan để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng, người sử dụng…
Với những bất cập trong thực trạng triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc và áp dụng tem truy xuất nguồn gốc thời gian vừa qua, đồng thời để bắt kịp xu hướng phát triển và triển khai truy xuất nguồn gốc trên thế giới, ngày 19/1/2019 Thủ tướng Cình phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg, phê duyệt “Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” nhằm xác định những nhiệm vụ cần triển khai để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.
Các văn bản pháp quy và quy định vềtruy xuất nguồn gốc
Ngoài Đề án 100, Chính phủ, các cơ quan bộ, ban ngành cũng đã đưa ra những luật, quy định đối với truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nói chung và truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng nói riêng như Luật An toàn thực phẩm (2010), Luật Thủy sản (2017), Luật Chăn nuôi (2018), Luật Trồng trọt (2018)…
Một số văn bản, chính sách khác liên quan tới truy xuất nguồn gốc như:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều thông tư về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, an toàn thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của họ;
Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản;
Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ;
Thông tư số 01/VBHN-BNNPTNT ngày 18/05/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn;
Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản;
Thông tư số 44/2018/TT-BNNPTNT ngày 28/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu;
Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Ngày 20/12/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BNNPTNT quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (bãi bỏ nội dung quy định tại các văn bản sau đây kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành: Thông tư 03/2011/TTBNNPTNT ngày 21/01/2011; Thông tư 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2011 và Điều 7 Thông tư số 11/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/5/2017)…
Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/1/2022 bổ sung quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa vào Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Việc ban hành quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc giúp xác định nhiệm vụ cần triển khai và phân công trách nhiệm bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan trong quá trình quản lý và thực thi hoạt động truy xuất nguồn gốc. Cụ thể như sau:
“1. Bộ Khoa học và Công nghệ:
a) Giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa;
b) Hướng dẫn nâng cao năng lực kỹ thuật cho hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và hỗ trợ phát triển sản phẩm, hàng hóa chủ lực, phát triển kinh tế - xã hội của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương;
c) Quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu;
d) Quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và vật mang dữ liệu;
đ) Quản lý tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý.
2. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý tổ chức triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý.
3. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tổ chức triển khai thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương.
4. Căn cứ nhu cầu quản lý, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xác định sản phẩm, hàng hóa phải thực hiện truy xuất nguồn gốc và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của bộ quản lý ngành, lĩnh vực”.
Nhằm hỗ trợ tiến trình đưa nhanh hoạt động truy xuất nguồn gốc vào sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa nội dung truy xuất nguồn gốc:
Tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 (về việc phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 ): “Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh” (Điều 1 – II-3-b) và “Hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế (Điều 1 – II-3-d).
Việc ban hành nhiều các văn bản liên quan tới truy xuất nguồn gốc nói chung và truy xuất nguồn gốc thực phẩm nói riêng tạo vành đai bảo vệ nền sản xuất trong nước, bảo vệ nhà cung cấp, bảo vệ người tiêu dùng và là công cụ hiệu quả cho Nhà nước thực hiện chức năng điều tiết của mình.
Đề án 100 và việc quản lý thông tintruy xuất nguồn gốc
Mục tiêu của Đề án 100, tập trung vào việc:
Hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đảm bảo chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa;
Nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan; đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thi trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.
Để đạt được mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cần thực hiện được phân thành 5 nhóm nội dung chính, gồm:
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc;
Xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước;
Nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc;
Thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc;
Xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
TS. Nguyễn Hoàng Linh cho biết:
"Để hiện thực hóa các giải pháp trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 23 TCVN về truy xuất nguồn gốc đáp ứng một phần nhu cầu đối với truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng thủy - hải sản, các loại thịt, rau quả tươi và một số yêu cầu đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc; dự kiến đến cuối năm 2023, công bố thêm khoảng 20 TCVN nữa cho nhiều loại sản phẩm, hàng hóa khác có tác động trực tiếp tới đời sống con người.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang xây dựng dự thảo Thông tư về quản lý hoạt động truy xuất nguồn gốc, dự kiến ban hành vào Tháng 12/2023; đồng thời đang trong tiến trình xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia (đang vận hành thử nghiệm đến Tháng 8/2023 và dự kiến hoàn tất vào Tháng 12/2023).
Các bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai:
Xác định các nhóm sản phẩm, hàng hóa cần ưu tiên áp dụng truy xuất nguồn gốc;
Xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc phục vụ quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc; ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc;
Áp dụng thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế và nhân rộng mô hình tới các doanh nghiệp trong các ngành nghề; thực hiện các hoạt động quảng bá, nhân rộng các mô hình áp dụng truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu;
Xây dựng chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, vận dụng cơ chế tài chính phù hợp để thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc;
Đẩy mạnh hoạt động tập huấn, phổ biến và triển khai áp dụng các TCVN, QCVN và quy định về truy xuất nguồn gốc; Tích cực tuyên truyền, phổ biến và quảng bá về lợi ích của việc triển khai truy xuất nguồn gốc.
Trước nhu cầu thực tiễn phát triển hoạt động truy xuất nguồn gốc ngày càng cao, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, việc triển khai hiệu quả Đề án 100, Nghị định 13/2022/NĐ-CP, nhất là quản lý tốt thông tin về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa:
Sẽ góp phần chuyển đổi số trên thực tế hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ quản trị nội bộ nhằm tối ưu hiệu qủa hoạt động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hàng hoá; nâng cao vị thế thương hiệu, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh minh bạch;
Tạo lập cơ sở dữ liệu và được cập nhật, bổ sung theo thời gian thực giúp thống kê, báo cáo chính xác phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng và thực thi chiến lược, chính sách, kế hoạch; đồng thời phát triển giải pháp và dịch vụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp đồng thời phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.
Minh Anh