Hoãn cưới, lên đường vào tâm chấn

Tháng 2/2023, trận động đất kép 7,8 độ Richter đã xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến 11 tỉnh phía đông nam quốc gia nằm bên bờ Địa Trung Hải này rung chuyển. Hơn 44.000 người đã chết sau đại địa chấn, hàng trăm nghìn công trình đổ sập. Đất nước nằm bên bờ Á - Âu, đứng trước những thách thức vô cùng lớn mà hơn 100 năm qua họ mới phải đối mặt.

Trước những mất mát, khó khăn của Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa, với truyền thống “Thương người như thể thương thân”, đặc biệt tinh thần “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã quyết định cử lực lượng, phương tiện tham gia cứu trợ, hỗ trợ nhân đạo tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thượng úy Kiều Đức Toàn hoãn cưới để tham gia đoàn cứu trợ, hỗ trợ nhân đạo quốc tế của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thượng úy Kiều Đức Toàn hoãn cưới để tham gia đoàn cứu trợ, hỗ trợ nhân đạo quốc tế của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ..

Nhớ lại chuyến đi lịch sử này, Thượng úy Kiều Đức Toàn (Tiểu đoàn 93, Binh chủng Công binh) không khỏi bồi hồi. Vào thời điểm biết mình có tên trong danh sách đoàn sang vùng thảm họa, Toàn vừa mừng, vừa lo.

“Đây là lần đầu tiên, Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia vào một nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ quốc tế. Do đó, khi được lựa chọn, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào, nhưng cũng không ít nỗi băn khoăn. Bởi vào thời điểm ấy, theo kế hoạch, chỉ gần 10 ngày tới, tôi sẽ lập gia đình” - Thượng úy Kiều Đức Toàn chia sẻ.

Nhận nhiệm vụ, Kiều Đức Toàn gọi điện cho Nguyễn Thị Yến, vợ tương lai của mình, thông báo. Sau vài phút ngập ngừng phía đầu dây, Yến bảo: “Anh cứ yên tâm lên đường. Em và hai bên gia đình sẽ đợi”.

“Ban đầu, tôi và vợ rất lo lắng, nhưng thủ trưởng đã tạo điều kiện cho xe đơn vị đưa cán bộ về giải thích rõ, đây là nhiệm vụ nhân đạo, sứ mệnh cao cả. Do đó, hai bên gia đình rất ủng hộ và chúc tôi đi may mắn, công việc chuẩn bị ở nhà đã có mọi người lo, cứ yên tâm công tác” - Thượng úy Toàn nói.

Chị Nguyễn Thị Yến, vợ sắp cưới của Trung úy Kiều Đức Toàn, cũng rất cảm thông và chia sẻ với công việc của chồng. Bên nhau đã lâu, chị hiểu và thông cảm với nhiệm vụ, những nỗi vất vả của người lính.

Lúc 22h05 ngày 12/2, Toàn có mặt trong Đoàn 76 - chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ quốc tế. Trong lễ tiễn Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương đã phát biểu động viên: “Trong số các quân nhân tham gia nhiệm vụ lần này, có một đồng chí, chỉ 2 tuần nữa xây dựng gia đình, nhưng vẫn xung phong lên đường. Với tinh thần đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hy vọng, các cán bộ, chiến sĩ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!”.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương khẳng định, đây là nhiệm vụ, đồng thời cũng là cơ hội để đồng chí Toàn có một món quà cưới ý nghĩa nhất cuộc đời để dành tặng cho bạn gái thân yêu của mình trong ngày cưới, sau khi hoàn thành nhiệm vụ…

Ngồi trong căn lều tạm được dựng giữa Sân vận động Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ), người lính trẻ đưa cho chúng tôi xem những dòng tin nhắn anh và vợ sắp cưới nhắn với nhau: “Anh đi làm có mệt không? Hôm nay tìm được mấy người? Ở nhà mọi người vẫn khỏe. Cố gắng hoàn thành nhiệm vụ rồi trở về với em nhé!”.

Khoảng cách hàng nghìn ki-lô-mét, khoảng cách về thời gian… dường như bị xóa nhòa trong những lời động viên, hỏi han hằng ngày.

“Trước khi đi, tôi đã động viên gia đình. Bản thân tôi, cũng xác định phải hoàn thành thật tốt nhiệm vụ, không dao động tư tưởng cho tới khi hoàn thành” - Toàn chia sẻ và cho biết thêm, việc tổ chức đám cưới cho anh sẽ được hai bên gia đình bàn bạc lại sau.

Cứ thế, gác lại chuyện riêng, Thượng úy Kiều Đức Toàn bắt đầu cùng đồng đội lao vào lòng đại địa chấn…

Những quyết định “cân não”

Sau nhiều chặng đường di chuyển bằng các phương tiện khác nhau, đến 15h30 ngày 13/2 (giờ địa phương), cả đoàn đã có mặt tại Hatay - một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại địa chấn.

Theo bác sỹ Khoa Gan mật tụy (Viện Quân y 103), Đội trưởng Đội Quân y của Đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tá Lại Bá Thành, bộ đội ta gặp rất nhiều khó khăn trong chuyến công tác lần này, như điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, chênh lệch múi giờ, bất đồng ngôn ngữ... Đội Quân y là lực lượng phải đi vào hiện trường cách xa nơi đóng quân nên việc triển khai lực lượng, phương tiện càng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong trường hợp nếu tìm thấy số lượng lớn nạn nhân.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ chia sẻ tại hiện trường.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ chia sẻ tại hiện trường..

“Chứng kiến hiện trường đổ nát vì thảm họa của thiên nhiên, chúng tôi rất đau xót trước sự mất mát quá lớn này. Mặc dù đã có kế hoạch triển khai chi tiết trước khi sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng khi làm nhiệm vụ tại hiện trường, tìm kiếm cứu nạn, chúng tôi đã có những thay đổi kịp thời để phù hợp với thực tế, như triển khai thành các đội nhỏ hay triển khai ngay một trạm quân y để cấp cứu, thu dung các bệnh nhân là lực lượng cứu hộ tại chỗ và người dân nước sở tại” - Trung tá Lại Bá Thành cho biết.

Mặc dù điều kiện công tác khó khăn, nguy hiểm, thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ ban đêm từ -6 đến -10 độ C, không có điện và nước ngọt, các dư chấn động đất vẫn mạnh, nhưng ngay sau khi đến hiện trường, Đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều phối ứng phó khẩn cấp thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ, Cơ quan điều phối của Liên hiệp quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ để nắm thông tin, tình hình, phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Tại hiện trường tìm kiếm, Phó chánh Văn phòng thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho biết: “Chúng tôi được phân công nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát tại nhiều vị trí. Khi phát hiện mục tiêu, sẽ bàn giao cho lực lượng sở tại để sử dụng những trang thiết bị hạng nặng đưa người mắc kẹt hoặc thi thể ra ngoài”.

Với vai trò Trưởng đoàn Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho hay, đã rất nhiều lần, ông phải đưa ra những quyết định “cân não”.

Cụ thể, vào ngày làm việc thứ 3, Đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam nhận được nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại một tòa nhà cao 7 tầng của khu đô thị đã bị đổ sập, trong đó có rất nhiều người còn đang bị mắc kẹt, vùi lấp. Lúc này, lực lượng cứu hộ nước bạn đang sử dụng phương tiện hạng nặng như máy xúc, máy ủi để bốc dỡ.

Khi tới hiện trường, cả đoàn gặp một vài gia đình đã chờ sẵn bên những tòa nhà đổ nát. Họ nói với các cán bộ, chiến sĩ bộ đội Việt Nam rằng, người thân của họ vẫn còn mắc kẹt lại bên trong và đề nghị sự giúp đỡ. Nhìn sâu vào đôi mắt đỏ hoe của bà mẹ già Antakya, các thành viên trong đoàn không thể cầm lòng. Mặc dù vậy, nhìn những tòa nhà có thể sẵn sàng sập xuống bất cứ lúc nào, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ buộc phải suy nghĩ, trước khi đưa ra quyết định.

Trong tình thế đó, nếu đưa anh em chui vào hầm bê tông để quan sát và tìm kiếm thì vô cùng nguy hiểm. Nhưng nếu không cho lực lượng vào, thì người dân và các lực lượng quốc tế sẽ đánh giá thế nào?

“Với tư cách người chỉ huy, tôi quyết định, bằng mọi cách phải vào được khu nhà sập, đồng thời vẫn phải bảo đảm an toàn cho anh em”, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ nhớ lại.

Giữa hàng triệu mét khối bê tông, cả đoàn gần như nín thở khi những chiến sĩ đầu tiên tiến vào. Chó nghiệp vụ được huy động để truy vết nguồn hơi. Phía sau, những tiếng thổn thức, hờn khóc của người nhà nạn nhân vẫn chưa dứt.

Nhờ sự hiệp đồng chặt chẽ, trong ngày tìm kiếm đó, đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam đã phát hiện được 4 vị trí, trong đó 2 vị trí có dấu hiệu về sự sống trong khu đổ nát để bàn giao cho cơ quan chức năng của bạn giải quyết. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn các nước đã phối hợp đưa nạn nhân ra ngoài.

“Hôm sau, khi chúng tôi quay lại, các cụ già, người thân của các nạn nhân đều bày tỏ sự cảm động. Mặc dù người thân họ không còn sống nhưng đã được tìm thấy, họ khóc trong mất mát, nhưng vẫn cảm ơn Đoàn Việt Nam. Những tình cảm đó, các thành viên trong đoàn không ai quên được”, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ nói.

Trong 10 ngày làm nhiệm vụ, Đoàn Cứu hộ, cứu nạn Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tổ chức tìm kiếm trên 31 điểm, phát hiện 15 điểm có nạn nhân bị vùi lấp, đưa ra 28 thi thể nạn nhân, bàn giao cho lực lượng giải cứu.

Bên cạnh đó, đoàn cũng đã tổ chức tổ công binh dò tìm bằng âm thanh, hình ảnh và radar xuyên tường; phối hợp với các đoàn từ Bahrain và Mexico tìm được 3 vị trí; tổ chức một đội “chó nghiệp vụ” tìm kiếm cứu nạn… Trên cơ sở đó, chúng ta tìm được thêm 10 thi thể các nạn nhân được đưa ra ngoài.

“Như vậy, tính tổng cả chiến dịch, chúng ta đã phát hiện 18 điểm và đưa ra 36 thi thể nạn nhân”, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ chia sẻ.

Tỏa sáng tinh thần quốc tế

Theo Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Đỗ Sơn Hải, việc Việt Nam cử 2 đoàn cứu hộ, cứu nạn sang giúp bạn trong hoàn cảnh khó khăn đã được Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá rất cao. Khi đoàn vào các thành phố để tác nghiệp, việc kiểm soát rất chặt chẽ vì lý do an ninh. Nhưng khi đoàn đến, chỉ cần nói 2 chữ “Việt Nam” là họ mở đường cho đi ngay. Khi hỏi “tại sao?” thì họ trả lời: “Tất cả chúng tôi đều biết đến và ghi nhận Đoàn Việt Nam!”.

Chiến sỹ Đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam hỗ trợ người dân mất nhà tại Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ.
Chiến sỹ Đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam hỗ trợ người dân mất nhà tại Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ..

Đại sứ Đỗ Sơn Hải nhớ lại: “Trong những ngày có mặt tại hiện trường, tôi nhớ mãi hình ảnh những người dân Thổ Nhĩ Kỳ hiếu khách. Đêm 10/2, khi Đoàn cứu hộ, cứu nạn - Bộ Công an đưa được một em bé còn sống ra ngoài, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã đến và hỏi: “Các bạn có cần gì không?”. Tôi đáp: “Chúng tôi không cần gì cả”. Nhưng một lúc sau, họ vẫn mang tới bánh mỳ, nước cho từng người, trong bối cảnh họ đang vô cùng khó khăn và khủng hoảng. Hết thảy các thành viên trong đoàn đều vô cùng cảm động.

Tương tự, khi máy bay chở đoàn cứu hộ, cứu nạn Bộ Quốc phòng Việt Nam hạ cánh, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đứng thành hàng ngang, họ chắp tay, cúi người chào như một lời cảm ơn vô cùng xúc động, dù chúng ta vẫn chưa tác nghiệp thực tế.

Đặc biệt, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã trực tiếp gặp gỡ Đoàn Việt Nam và khẳng định, Chính phủ, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ quên sự giúp đỡ này”…

Chia sẻ thêm về chiến dịch cứu trợ, hỗ trợ nhân đạo tại Thổ Nhĩ Kỳ của Đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ nói: “Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận rõ, việc các đoàn cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam sang thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ lần này đã thể hiện được vị thế, cũng như trách nhiệm của Nhân dân ta, đất nước ta, đặc biệt là của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Ngay từ khi xuất quân, hết thảy mọi cán bộ, chiến sĩ và thành viên trong đoàn Việt Nam đều xác định rõ lập trường tư tưởng kiên định, quyết tâm vượt qua khó khăn để thực hiện nhiệm vụ bằng mệnh lệnh từ trái tim. Chúng tôi coi việc tìm kiếm vị trí các nạn nhân trong các đống đổ nát, cũng giống như tìm kiếm người thân của chính mình.

Với tinh thần đó, đoàn chúng ta được cộng đồng quốc tế, cũng như chính quyền địa phương, phía Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá rất cao về cả công tác tổ chức lẫn thực hiện thực tế tại hiện trường”.

Tại lễ gặp mặt, biểu dương 2 đoàn cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đoàn công tác cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã cụ thể hóa chủ trương “Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”. Triển khai nhiệm vụ trong khoảng thời gian rất ngắn, phải đối mặt với điều kiện vô cùng khắc nghiệt về thời tiết, nhưng với bản lĩnh, kinh nghiệm, các thành viên quả cảm của đoàn công tác đã phát huy tinh thần quốc tế cao cả, truyền thống của dân tộc.

Thủ tướng bày tỏ: “Qua phương tiện truyền thông, tôi còn được biết những hành động giúp đỡ các nạn nhân như sẻ chia những bữa ăn, dựng lều, nhóm bếp sưởi hay trao đi những nụ cười, những giọt nước mắt, động viên, sự thăm hỏi cởi mở, chân thành… của các đồng chí.

Những kỷ niệm, hình ảnh các đồng chí thực hiện nhiệm vụ không quản ngày đêm, trong môi trường khắc nghiệt, đối mặt với hiểm nguy từ các đợt rung chấn - sẽ khắc sâu trong tâm trí người dân Thổ Nhĩ Kỳ và nhân lên niềm tự hào là người dân Việt Nam”.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã chủ động tham mưu các cấp có thẩm quyền trong việc xử lý các vấn đề quốc tế; góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phúc Lâm