Từ 1/7/2025, đóng BHXH 15 năm được hưởng bao nhiêu tiền lương hưu?
Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025 và thay thế Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Tại Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, có quy định như sau:
Mức lương hưu hằng tháng
1. Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 64 của luật này, được tính như sau:
a) Đối với lao động nữ, bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của luật này (tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội), sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%;
b) Đối với lao động nam, bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của luật này (tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội), sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của luật này (tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội), sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Như vậy, từ 1/7/2025, người lao động đóng BHXH 15 năm, nhận được mức tiền lương hưu như sau:
- Lao động nữ: Mức tiền lương hưu hằng tháng bằng 45% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH; mỗi năm sau đó, hưởng thêm 2% cho đến khi đạt mức tối đa 75%.
- Lao động nam: Mức tiền lương hưu hằng tháng bằng 40% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH; mỗi năm sau đó hưởng thêm 1%. Từ năm thứ 20 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu là 45%, cứ mỗi năm tham gia thêm 2% cho đến khi đạt tối đa 75%.
Lưu ý: Mức tiền lương hưu hằng tháng của đối tượng là người lao động thuộc một số nghề, công việc đặc biệt đặc thù trong lực lượng vũ trang nhân dân do Chính phủ quy định. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước.
Từ 1/7/2025, đóng BHXH 15 năm được hưởng bao nhiêu tiền lương hưu?
Mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu được xác định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 72 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu được xác định như sau.
(1) Đối với NLĐ thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này
Mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu sẽ phụ thuộc vào thời điểm người lao động bắt đầu tham gia BHXH. Cụ thể như sau:
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước 1/1/1995: Tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ 1/1/1995 - 31/12/2000: Tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ 1/1/2001 - 31/12/2006: Tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ 1/1/2007 - 31/12/2015: Tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ 1/1/2016 - 31/12/2019: Tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ 1/1/2020 - 31/12/2024: Tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ 1/1/2025 trở đi: Tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
(2) Đối với NLĐ có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định
Tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
(3) Đối với NLĐ vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định
Tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Mục (1).
Lưu ý: Mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trong một số trường hợp đặc biệt do Chính Phủ quy định.
Tải Bảng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước 1/7/2025: Tải về
Tải Bảng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 1/7/2025: Tải về
NLĐ không hưởng lương hưu có được hỗ trợ gì không?
Tại Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có quy định như sau:
Đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
1. Công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Từ đủ 75 tuổi trở lên;
b) Không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;
c) Có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
2. Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.
Theo đó, người lao động không hưởng lương hưu sẽ được nhận trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Là công dân Việt Nam.
- Từ đủ 75 tuổi trở lên hoặc từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo
- Có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
- Không thuộc các trường hợp ngoại trừ theo quy định của Chính phủ.
Thủy Hương (Nguồn: chinhphu.vn)