Theo đó, tất cả máy điện thoại di động sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ thời điểm trên phải được tích hợp công nghệ E-UTRA (tức công nghệ 4G). Những điện thoại 2G, 3G được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam trước 1/7 vẫn được phép lưu hành.

Thông tư áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh các thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn trên lãnh thổ Việt Nam.

Động thái này được xem là một bước chuẩn bị cho lộ trình tắt sóng 2G dự kiến vào quý 1/2022, cũng như chủ trương "phủ sóng" smartphone trên toàn quốc. Đây cũng là nền tảng để các nhà mạng xem xét phương án dừng công nghệ di động thế hệ cũ, góp phần thực hiện mục tiêu kép đã đề ra trong "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Điện thoại 2G, 3G không được sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam từ 1/7
Điện thoại 2G, 3G không được sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam từ 1/7.

Báo cáo của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, lộ trình cho việc dừng công nghệ cũ được đặt ra từ năm 2018 và Bộ TT&TT đang thúc đẩy công nghệ mới 5G, vì vậy các doanh nghiệp viễn thông không thể duy trì cùng lúc 4 công nghệ (2G, 3G, 4G và 5G) trên cùng một mạng.

Việt Nam hiện có 87 triệu thuê bao sử dụng smartphone trên tổng số 65 - 70 triệu dân số có thể sử dụng điện thoại. Trong đó, số máy điện thoại chỉ dùng được 2G đã giảm từ hơn 30 triệu máy năm 2019 xuống còn khoảng 24 triệu máy.

Trong khi đó, mạng 5G đã được các nhà mạng lớn tại Việt Nam phát sóng thương mại ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Hiện các công ty sản xuất điện thoại di động cũng đang chạy đua sản xuất điện thoại 5G vì số lượng thiết bị hỗ trợ mạng thế hệ mới này vẫn còn hạn chế.

Minh Đức