Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo đó, diện tích đất ở tại các quận, huyện, thị xã trong địa bàn thành phố được phân thành ba khu vực với những quy định khác nhau về diện tích tối thiểu để tách thửa.

Khu vực các quận nội thành: Đây là những nơi có mật độ dân cư cao, nên điều kiện để tách thửa sẽ nghiêm ngặt hơn. Theo quy định mới, thửa đất sau khi tách tại các quận như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng… phải có diện tích tối thiểu là 50m2 và chiều rộng mặt tiền tối thiểu 4m.

Khu vực các huyện ngoại thành: Ở các huyện ven đô, như: Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm…, yêu cầu diện tích tối thiểu để tách thửa cũng sẽ là 50m2, nhưng sẽ có sự linh hoạt hơn tùy thuộc vào tình hình thực tế từng địa phương.

Những khu vực có mật độ xây dựng thấp hơn, người dân vẫn có thể thực hiện tách thửa với diện tích phù hợp nhưng không dưới 50m2.

Đối với các khu vực nông thôn: Ở các khu vực thuộc các xã nông thôn, diện tích đất ở tách thửa phải đạt tối thiểu 80m2, đồng thời chiều rộng mặt tiền thửa đất sau khi tách không dưới 5m.

Mục tiêu của quyết định này là giảm thiểu tình trạng phân lô bán nền tràn lan và không kiểm soát được chất lượng cơ sở hạ tầng tại các khu dân cư.

Trong những năm gần đây, nhiều khu vực ngoại thành và vùng ven đô Hà Nội đã chứng kiến sự bùng nổ các hoạt động mua bán, chia nhỏ các thửa đất, gây nên sự phát triển không đồng bộ và ảnh hưởng tới quy hoạch chung của thành phố.

Việc nâng diện tích tối thiểu khi tách thửa sẽ giúp giảm thiểu tình trạng trên, đồng thời đảm bảo các khu dân cư phát triển đồng bộ, có hạ tầng giao thông, điện nước tốt hơn.

Quyết định 29/2023 cũng nêu rõ những trường hợp không được phép tách thửa. Đối với những thửa đất nằm trong các khu vực đã có quy hoạch, đất trong diện thu hồi hoặc đất nằm trong các dự án phát triển đô thị, công trình công cộng, việc tách thửa sẽ không được phê duyệt.

Điều này nhằm đảm bảo tính ổn định trong quy hoạch và hạn chế việc xây dựng không phép hoặc sai phép.

An Nguyên (t/h)