Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Tham dự hội thảo có GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, đại diện lãnh đạo Tổng LĐLĐVN và các trường Đại học Y Dược trên cả nước.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị từ năm 2006 đến nay đã đạt được những thành công lớn về nhiều mặt, huy động tốt mọi nguồn lực xã hội cho phát triển hệ thống y tế. Các cơ sở y tế chủ động mở rộng, phát triển các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh, tổ chức và sắp xếp lại bộ máy, nhân lực để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân, tăng cường đầu tư trang thiết bị và cơ sở hạ tầng góp phần tăng nguồn thu cho bệnh viện và cải thiện thu nhập cho người lao động. Cơ chế tự chủ cho phép các đơn vị tự chủ hơn, linh hoạt hơn trong đầu tư, giao dịch tài chính và chi tiêu thường xuyên. Đặc biệt đối với viên chức, người lao động tại các bệnh viện sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ cơ chế này. Theo đó, đơn vị được chủ động trong việc chi trả tiền lương, phụ cấp và tiền lương tăng thêm cho người lao động, được chủ động sử dụng quỹ bổ sung thu nhập để thực hiện việc phân chia trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công việc. Việc trích lập quỹ phúc lợi, khen thưởng của các đơn vị thuận lợi hơn.

GS,TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu trước hội nghị
GS,TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu trước hội nghị

Tuy nhiên, theo ông Thuấn, trên thực tế, việc thay đổi cơ chế đòi hỏi phải có quá trình, bước đi cụ thể và bước đầu chắc chắn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thay đổi cơ chế quản lý, quản trị, sắp xếp bộ máy tổ chức, xây dựng hệ thống các văn bản, cơ chế trả lương, thưởng, phụ cấp, thu nhập tăng thêm; về tài chính; về nhận thức tự chủ chưa đồng đều; về sự phối hợp giữa các bên Đảng ủy - HTĐ-BGH.- Công đoàn chưa rõ ràng.

Trên cơ sở đó, GS. TS Trần Văn Thuấn đề nghị Lãnh đạo các đơn vị tự chủ cần có sự thống nhất cao trong BGH và HĐQT và đảm bảo dân chủ để kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự theo hướng tinh gọn, thực chất, đảm bảo thực hiện sứ mạng và các mục tiêu của cơ sở đào tạo đại học trong cơ chế tự chủ cũng như xây dựng cơ chế để huy động trí tuệ và sức mạnh của hoạt động công đoàn trong các trường Đại học Y Dược. Công đoàn các đơn vị cần thể hiện vai trò là chỗ dựa đáng tin cậy của cán bộ, viên chức, người lao động thể hiện qua việc tham gia quản lý, giám sát, chủ động phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động, phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ công đoàn, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát phù hợp; duy trì tốt nề nếp sinh hoạt Công đoàn theo kế hoạch... Công đoàn Y tế Việt Nam và Công đoàn Giáo dục Việt Nam cần tiếp tục là cấu nối để tổ chức kênh diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm của các trường về tự chủ và vai trò của công đoàn; tham mưu đề xuất lãnh đạo Bộ Y tế và Giáo dục hướng dẫn cụ thể quy chế phối hợp giữa công đoàn và  Hội đồng trường, BGD và các tổ chức khác trong các trường tự chủ.

TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam cho biết, bên cạnh những thuận lợi, cơ hội, việc thực hiện cơ chế tự chủ cũng khiến trường đại học gặp thách thức rất lớn khi phải thực hiện công cuộc chuyển đổi có tính bước ngoặt, tạo nền tảng đột phá vững chắc cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo trong xu thế hội nhập giáo dục với khu vực và hội nhập với nền giáo dục tiên tiến thế giới. Các trường đại học sẽ phải kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự theo hướng tinh gọn, thực chất, đảm bảo thực hiện sứ mạng và các mục tiêu của cơ sở giáo dục đại học trong cơ chế tự chủ.

TS. Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị
TS. Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị

“Việc chuyển đổi cơ chế hoạt động này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến quyền lợi, lợi ích chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động hay nói theo cách khác, sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ, công việc của đoàn viên công đoàn và người lao động trong cơ sở giáo dục đại học. Cơ chế tự chủ kéo theo những biến động trong quy hoạch, chiến lược phát triển của mỗi nhà trường, tác động đến vị trí việc làm của từng đơn vị và cá nhân”, TS Bình nhận định.

Cũng theo TS Bình, hoạt động công đoàn đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức rất lớn. Đặc biệt, trước tác động của những điều khoản lao động trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực, theo đó cơ hội việc làm của người lao động cũng có những biến chuyển khó lường. Những cách tiếp cận cũ về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động chắc chắn sẽ phải thay bằng những cách tiếp cận mới.

Tại hội thảo, đại diện công đoàn các trường đại học Y – Dược trong và ngoài công lập đã chia sẻ những kinh nghiệm và bài học, từ đó xác định rõ vai trò của tổ chức công đoàn trong trường đại học hoạt động theo cơ chế tự chủ và vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm thực tế vào đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn phục vụ công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo.

TS. Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị

Theo đại diện Trường đại học Dược Hà Nội, tự chủ đại học đồng nghĩa với việc quyền của cơ sở giáo dục quyết định sứ mạng và chương trình hoạt động của mình, cách thức và phương tiện thực hiện sứ mạng và chương trình hoạt động đó; đồng thời tự chịu trách nhiệm trước công chúng và phát luật về mọi quyết định cũng như hoạt động của mình. Việc tự chủ sẽ còn gặp nhiều khó khăn song Trường Đại học Dược Hà Nội đặt ra mục tiêu là đại học đa ngành, định hướng nghiên cứu kết hợp với thực hành nghề nghiệp, bước đầu là đại học đổi mới sáng tạo; là trung tâm đào tạo, nghiên cứu và tư vấn về khoa học, nuôi dưỡng và hỗ trợ khởi nghiệp có uy tín; đến năm 2045 là trường đại học đổi mới sáng tạo.

Là trường đại học ngoài công lập, Trường Đại học Phenikaa cho rằng: hoạt động của tổ chức công đoàn trong trường đại học ngoài công lập chịu sự tác động rất lớn bởi chính sách của  nhà đầu tư trong mỗi thời kỳ. Khi nhà đầu tư lớn không ủng hộ, hoạt động công đoàn không những không phát triển được mà thậm chí người lao động, thành viên BCH công đoàn chịu áp lực lớn, phải xin rút không tiếp tục tham gia công đoàn. Khi nhà đầu tư lớn ủng hộ, hoạt động công đoàn phát triển, người lao động tích cực tham gia công đoàn.

Những chia sẻ từ đại diện các trường sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng giúp để xác định rõ hơn vai trò của tổ chức Công đoàn trong trường đại học theo cơ chế tự chủ và vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm vào đổi mới tổ chức hoạt động Công đoàn phục vụ cho công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo đảm bảo thành công và đáp ứng tốt nhu cầu giáo dục của xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa của kỉ nguyên công nghiệp 4.0.

PV