Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình: Cách đây 70 năm khi mới được giải phóng, thị xã Thái Bình có quy mô nhỏ bé, diện tích gần 100 ha và chỉ với 3 khu phố (Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam) với số dân gần 7.000 người; hệ thống cán bộ rất mỏng, với 3 Thị ủy viên, 2 cán bộ Ủy ban kháng chiến hành chính và 10 cán bộ ban ngành khác; tổ chức Đảng chỉ có 03 chi bộ với 14 đảng viên, đến tháng 12/1956, Đảng bộ Thị xã phát triển thành 5 chi bộ gồm 39 đảng viên.
Kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, lạc hậu, các cơ sở y tế, giáo dục, trường học còn đơn sơ, hệ thống điện, nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt còn khó khăn, thiết chế văn hóa nghèo nàn, nhiều cơ sở hạ tầng đã bị địch phá trước khi rút chạy.
Đến tháng 3/1955, toàn thị xã vẫn còn 200 gia đình lâm vào cảnh mỗi ngày một bữa cháo; đầu năm 1956 trên địa bàn thị xã còn 1.115 người mù chữ.
Tình hình đó đặt ra một nhiệm vụ cấp bách hàng đầu là phải khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Yêu cầu cơ bản được đề ra thời kỳ này là: Phấn đấu để khôi phục cơ sở sản xuất và mức sản xuất ngang bằng trước chiến tranh.
Chấp hành Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Sản xuất tự cứu mình là chính”, Thị uỷ đã chỉ đạo tổ chức cho quần chúng học tập thấm nhuần ý nghĩa, mục đích của Chỉ thị trên, đồng thời phát động phong trào sản xuất, tương trợ rộng khắp trong toàn thị. Hưởng ứng phong trào do Thị uỷ phát động, việc sản xuất tự túc, tình yêu thương giai cấp, nhường cơm sẻ áo trong nhân dân cũng được đẩy mạnh; nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Thị uỷ, nên đã có 1.000 người góp được 155 vạn 8 ngàn đồng để giúp những bà con nghèo túng, lấy tiền làm vốn kinh doanh sản xuất.
Đi đôi với việc phát động phong trào sản xuất tự túc, tương trợ lẫn nhau trong nhân dân, Thị uỷ cũng quan tâm giải quyết công ăn việc làm để bà con có thu nhập, khắc phục khó khăn; có chủ trương và kế hoạch phục hồi phát triển công thương nghiệp.
Bên cạnh việc lãnh đạo phục vụ phát triển kinh tế, đấu tranh gìn giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Thị uỷ cũng đặc biệt chú trọng lãnh đạo củng cố, phát triển sự nghiệp văn hoá xã hội. Năm 1956, thống nhất hai hệ thống giáo dục công lập và dân lập, số học sinh cấp I và cấp II, toàn thị xã có 1.333 học sinh. Sang năm 1957, ngành học phổ thông có bước phát triển. Thị xã đã có một trường cấp III với trên 300 học sinh, 3 trường cấp II với 1.400 học sinh, một trường cấp I với 968 học sinh. Ngoài ra ở các khu phố có 15 lớp vỡ lòng dạy tư với trên 400 học sinh, đưa số học sinh của thị xã lên trên 3.000 em. Dạy học bổ túc văn hoá cho 680 học viên.
Sau 3 năm gian khổ, Đảng bộ và nhân dân Thị xã đã hoàn thành thắng lợi kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh (1955 - 1957). Thắng lợi, đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng của Đảng bộ và nhân dân thị xã trên con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế của Thị xã đã được phục hồi và có bước phát triển: Tỷ lệ hộ sản xuất từ 7% số công thương gia năm 1955 lên 15% năm 1956; dệt vải từ 21 khung dệt lên 51 khung dệt... Cuối năm 1957 số hộ công thương nghiệp ở thị xã phát triển lên tới 1.542 hộ.
Năm 2004, khi thành phố thái Bình được thành lập, 50 năm sau giải phóng thị xã thì diện mạo thành phố và đời sống dân sinh thời điểm đó như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình: 50 năm sau ngày giải phóng thị xã, thị xã Thái Bình có thể nói là một sự “thoát xác kỳ diệu”. Nếu như trước kia, Thành phố chủ yếu là hoạt động sản xuất nông nghiệp, thì đến năm 2004, Thành phố đã có bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất cũng như hạ tầng kinh tế, xã hội; diện mạo đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp. Các công trình trọng điểm được hoàn thành và đưa vào sử dụng tạo điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan; tạo thuận lợi kết nối thành phố Thái Bình với các vùng kinh tế trong và ngoài tỉnh tạo tiền đề phát triển đô thị hiện đại trong tương lai.
Thành phố Thái Bình nằm gọn trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Từ khi cầu Tân Đệ và quốc lộ 10 được hoàn thành và đưa vào sử dụng, Thái Bình đã phá thế ốc đảo và tạo ra nhịp độ phát triển mới. Từ một đô thị loại 4 nghèo nàn với diện tích chưa đầy 100ha và dân số gần 4.000 người, đến năm 2004, TP. Thái Bình đã mở rộng diện tích ra 4.330ha, dân số hơn 143.000 người.
Năm 2003, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thành phố đạt gần 100 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt gần 12%; thu nhập bình quân theo đầu người 7,2 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch tích cực: Công nghiệp chiếm 32,9% (tăng 19,2%); dịch vụ thương mại chiếm 58,4% (tăng 13,1%); nông nghiệp chiếm 8,7% (giảm 2%).
Trên địa bàn Thành phố đã hình thành được 3 Khu công nghiệp tập trung (Nguyễn Đức Cảnh, Phúc Khánh, Tiền Phong) với tổng giá trị là 106,34 tỉ đồng. Đi liền với sự phát triển của các Khu công nghiệp tập trung, các khu dân cư đô thị mới như Trần Hưng Đạo, Kỳ Bá, Hoàng Diệu được hình thành theo tiêu chuẩn và quy mô hiện đại. Như vậy, Thành phố đã có nền tảng vững chắc cho phát triển đô thị công nghiệp và sự chuyển mình với các khu dân cư hiện đại, đồng bộ.
Có được sự đổi thay to lớn đó là cả một quá trình phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình nói chung và thành phố Thái Bình nói riêng. Vượt qua những gian khó do điều kiện đặc thù về địa lý và phân bố dân cư, người dân thị xã Thái Bình (trước đây) đã chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh
20 năm xây dựng và phát triển, phải nói đến những sự dấu mốc phát triển quan trọng của thành phố Thái Bình như thế nào thưa Ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình: Từ xã lên phường, từ thị xã lên thành phố, từ đô thị loại IV lên loại III, loại II… 20 năm xây dựng và phát triển, thành phố Thái Bình có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Vóc dáng thành phố trẻ năng động, văn minh, hiện đại… ngày một hiện rõ, xứng tầm vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Các dấu mốc phát triển quan trọng của Thành phố Thái Bình trong giai đoạn này là:
Thứ nhất, Sau khi thành lập Thành phố năm 2004, đến cuối năm 2007, Thành phố Thái Bình được mở rộng không gian đô thị, sáp nhập 5 xã của các huyện Kiến Xương, Vũ Thư, Đông Hưng và thành lập 2 phường mới theo Nghị định của Chính phủ.
Thứ hai, Thành phố tập trung làm tốt công tác quy hoạch phát triển đô thị; hoàn thành quy hoạch điều chỉnh địa giới hành chính, mở rộng thành phố Thái Bình, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố đến năm 2020; Hoàn thành quy hoạch chung Thành phố đến năm 2030, lập quy hoạch chung điều chỉnh Thành phố đến năm 2050. Quy hoạch chi tiết các phường, xã. Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp với quy mô trên 500 ha. Hoàn thành quy hoạch phát triển điện lực đến năm 2015. Quy hoạch hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và hệ thống chợ. Quy hoạch hệ thống trường học, trạm y tế trên địa bàn Thành phố...
Thứ Ba, Ngày 12/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận thành phố Thái Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Thái Bình.
Thứ tư, Thành phố Tập trung phát triển đô thị, hàng loạt các công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác, không chỉ nâng cao năng lực giao thông của Thành phố mà còn trở thành điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan, mở rộng không gian đô thị.
Năm 2023, Thành phố hoàn thành một số dự án, công trình trọng điểm như: Công viên Kỳ Bá, công viên Hồ Ty Diệu, đường Ngô Quyền, đường Trần Thánh Tông, đường Lý Thái Tổ, một số cầu trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ các dự án tạo nguồn: Ao Chiến Thắng, Khu đất trường Nguyễn Thái Bình, khu 5,2ha xã Đông Mỹ...
Thứ năm, Không gian đô thị được mở rộng về nhiều hướng, với việc xây dựng các khu đô thị, công viên hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Sự hiện diện của các khu đô thị mới không chỉ góp phần tích cực giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở của người dân, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nên những không gian sống tốt hơn.
Việc chỉnh trang làm đẹp đô thị cũng được quan tâm bằng việc đầu tư khớp nối các tuyến đường, hạ tầng khu dân cư, hệ thống cấp thoát nước, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, góp phần làm cho bức tranh đô thị ngày càng xanh, sạch, đẹp và văn minh, hiện đại.
Những năm gần đây, dễ dàng nhận thấy thành phố Thái Bình đã và đang đổi thay từng ngày. Đặc biệt, khi thành phố Thái Bình bước vào giai đoạn phấn đấu lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Vậy những chủ trương, dự định gì đã được Thành uỷ, UBND thành phố Thái Bình đề ra và triển khai nhằm xây dựng Thành phố Thái Bình năng động, phát triển?
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình: Xác định xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng bộ và nhân dân Thành phố. Vì vậy, Thành ủy, UBND Thành phố đã xác định những nhiệm vụ mục tiêu trọng tâm để thực hiện. Cụ thể:
Thành phố chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại dịch vụ; huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế, phát triển đô thị; tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng thuận lợi.
Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện quy hoạch chung xây dựng thành phố, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm. Tăng cường công tác quản lý đô thị, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế các phòng, đơn vị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ nhất là chính quyền cơ sở.
Thực hiện tốt công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và phòng chống tham nhũng, lãng phí. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng cơ bản, tài nguyên môi trường, giải phóng mặt bằng và phát triển quỹ đất, Thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 03 của BCH Đảng bộ tỉnh. Hoàn thành lập Kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện quy hoạch chung Thành phố đến năm 2035, tầm nhìn năm 2050.
Hoàn thành việc rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu Khu đô thị mới Vũ Đông, Khu vực phía Tây Bắc thành phố, Khu vực Trung tâm thành phố, Khu vực 2 bên đường Vành đai phía Nam tại phường Trần Lãm, xã Vũ Lạc, Vũ Chính… đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung.
Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành quy chế quản lý kiến trúc đô thị thành phố Thái Bình, chương trình phát triển đô thị thành phố đến năm 2030, đề án xây dựng 08 xã trở thành phường. Rà soát, xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển nhà ở năm 2024; tập trung tháo gỡ khó khăn, đề xuất; phối hợp lập chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn.
Tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để triển khai đầu tư xây dựng các dự án, công trình tạo điểm nhấn, các dự án tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, các dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ tái định cư (như: Nút giao Phúc Khánh, Hạ tầng kỹ thuật (HTKT) khu Trung tâm thành phố, HTKT khu dân cư tại khu đất trường Tiểu học Phúc Khánh, HTKT khu dân cư tại khu đất Công ty cổ phần xe tơ; đường Trần Nhân Tông, đường Trần Lãm, đường Lê Quý Đôn kéo dài về phía Nam, đường Võ Nguyên Giáp kéo dài đến quốc lộ 39,...).
Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra. Chú trọng rà soát, xây dựng Kế hoạch giải quyết dứt điểm các dự án tồn tại; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án tạo nguồn, các dự án xử lý nút thắt giao thông, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách,... đặc biệt là các dự án trọng điểm, phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn.
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng; tích cực đối thoại, tiếp công dân; chủ động rà soát hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục để đề xuất cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đối với các trường hợp cố tình không chấp hành công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Tổ chức rà soát, tạo lập và khai thác có hiệu quả các quỹ đất tạo nguồn, các quỹ đất xen kẹt trong khu dân cư, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất.
Ở thời điểm hiện tại, ông có đánh giá gì về sự phát triển chung của thành phố Thái Bình so với các thành phố của các tỉnh trong khu vực?
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình: Xuất phát điểm là một đô thị nhỏ với chức năng quản lý hành chính của một tỉnh nông nghiệp, hoạt động kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và một số dịch vụ. Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng bộ và nhân dân thành phố Thái Bình đã năng động, sáng tạo khai thác mọi tiềm năng thế mạnh, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi thách thức để phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, thành phố Thái Bình đã có sự phát triển to lớn, khẳng định vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh với diện tích của Thành phố gần 7.000 ha với 19 đơn vị hành chính gồm 10 phường, 9 xã; dân số trên 280.000 người. Đảng bộ Thành phố hiện có 39 tổ chức cơ sở đảng, trong đó: 19 Đảng bộ phường, xã; 06 Đảng bộ cơ quan; 14 Chi bộ cơ sở; với hơn 12.726 đảng viên.
Thành phố hiện nay đã có nhiều sự phát triển vượt bậc, với nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Đến năm 2023, kinh tế Thành phố phát triển toàn diện, tổng giá trị sản xuất ước đạt 51.066,5 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt 78 triệu đồng/năm. Thành phố đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Hiện Thành phố có trên 2.500 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định; tạo việc làm cho hơn 80.000 lao động. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đều đạt và vượt chỉ tiêu.
Môi trường đầu tư kinh doanh Thành phố có sự chuyển biến đột phá, hai năm liên tiếp (2022, 2023) Thành phố được đánh giá dẫn đầu về thực hiện bộ chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) cấp huyện. Nhiều dự án thương mại dịch vụ lớn đi vào hoạt động, thay đổi về chất trong nếp sống đô thị của người dân, là điểm nhấn hấp dẫn của đô thị hiện đại.
Thành phố đã ban hành các đề án như tái cơ cấu kinh tế, phát triển thương mại, dịch vụ, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, phát triển du lịch, lắp đặt camera an ninh, cải tạo vỉa hè, bãi đỗ xe ô tô... làm tiền đề phát triển thành phố, từng bước hoàn thiện các tiêu chí xây dựng thành phố trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Thời gian tới, thành phố Thái Bình đã có những dự định, mục tiêu gì trong quy hoạch, xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình trở thành thành phố trẻ, năng động - đô thị văn minh, hiện đại, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình: Trong giai đoạn tiếp theo, với quyết tâm và khí thế mới, thành phố Thái Bình sáng tạo, khai thác tối đa lợi thế của một đô thị ven sông, phát huy hiệu quả nguồn lực con người để vượt mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Xây dựng thành phố Thái Bình phát triển nhanh và bền vững, trở thành đô thị xanh, đô thị cảnh quan, văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng; có kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại, kết nối thuận lợi.
Là đầu tàu kinh tế, là trung tâm thương mại dịch vụ của tỉnh, có hệ thống hạ tầng phát triển đồng bộ kết nối liên vùng thuận tiện; phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; có nếp sống văn minh đô thị, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao; có tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh.
Phấn đấu đến năm 2025 thành phố Thái Bình được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; đến năm 2030 trong nhóm các đô thị phát triển khá, đến năm 2045 trong nhóm các đô thị dẫn đầu của vùng đồng bằng sông Hồng và là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng của khu vực.
Trân trọng cảm ơn Ông!
Phương Thuý