Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân cung ứng, sử dụng và quản lý giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Theo đó, khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên đường bay nội địa được quy định cụ thể như sau: Mức giá vé tối đa hạng phổ thông cho một chiều đi với khoảng cách dưới 500 km nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội là 1,6 triệu đồng/vé, nhóm đường bay khác là 1,7 triệu đồng/vé.
Khoảng cách từ 500 km - 850 km có giá tối đa 2,2 triệu đồng/vé; 850 km - 1.000 km có giá tối đa 2,790 triệu đồng/vé và 1.000 km - 1.280 km có giá 3,2 triệu đồng/vé.
Mức giá vé cao nhất một chiều cho cự ly từ 1.280 km trở lên là 3,75 triệu đồng/vé.
Ảnh minh họa
Toàn bộ mức giá tối đa trên đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 1 vé máy bay, trừ các khoản thu sau: Thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ bảo đảm an ninh bao gồm: Giá phục vụ hành khách, giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm.
Về phía hãng hàng không phải có trách nhiệm: Quy định giá vé cụ thể trên đường bay hoặc nhóm đường bay theo phương thức đa dạng giá vé cho mỗi đường bay và chính sách giá giảm thường xuyên dành cho đồng bào, chiến sỹ thường trú tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Nếu trong trường hợp các hãng hàng không mở đường bay mới, chưa được công bố trong nhóm cự ly bay do Cục Hàng không Việt Nam thông báo, hãng hàng không có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam xem xét, quy định bổ sung đường bay mới vào các nhóm cự ly bay thông dụng trước thời điểm hãng kê khai giá với Cục Hàng không Việt Nam.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.
Ngọc Linh