Nhiều dự án "bánh vẽ"
Trường Tiền Group tiền thân là Công ty cổ phần may Phú Thành, với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính: May trang phục, sản xuất sợi, sản xuất vải dệt, sản xuất hàng dệt kim, may mặc xuất khẩu, ngày 15/01/2008 được Sở KH&ĐT TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu.
Sau Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 18/11/2018, Công ty Cổ phần May Phú Thành đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Tiền, mở rộng thêm nhiều lĩnh vực, hướng đến xây dựng Tập đoàn cung cấp các sản phẩm đẳng cấp Quốc tế và đa ngành nghề.
Trước đó, Trường Tiền Group đã dần bước chân vào con đường kinh doanh bất động sản với dự án gây lùm xùm tại Khu du lịch sinh thái Khuôn Thần ECO LAKE Lục Ngạn - Bắc Giang. Theo đó, vào khoảng cuối tháng 12/2017, tập đoàn Trường Tiền đã thông tin về việc sẽ khởi động dự án Khuôn Thần Eco Lake với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng.
Tập đoàn Trường Tiền
Dự án đầu tư với tổng diện tích dự án hơn 394ha, phân bố trong phạm vi xung quanh Hồ Khuôn Thần, nằm cách thị trấn Chũ 10 Km về phía Bắc thuộc xã Kiên Lao.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là chính quyền UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) khẳng định: "Không có bất kỳ nhà đầu tư nào tên là Tập đoàn Trường Tiền vào đầu tư ở đây”. UBND huyện Lục Ngạn chỉ duy nhất cho phép Tập đoàn FLC nghiên cứu lập hồ sơ quy hoạch.
Cụ thể, trong Văn bản số 21/SKHĐT-KTĐN của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang ngày 4/1/2018 gửi Bộ Xây dựng nêu rõ: Sau khi phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các dự án đã cho phép nhà đầu tư khảo sát, lập quy hoạch xây dựng, thực hiện dự án tại khu vực hồ Khuôn Thần, UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định chưa chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cho phép nhà đầu tư nào thực hiện dự án đầu tư tại hồ Khuôn Thần.
Không chỉ dự án trên, lãnh đạo của Tập đoàn Trường Tiền không ngần ngại ‘nổ’ những ‘siêu dự án’ tiêu biểu của tập đoàn như: Dự án Spa Cây Bồ Đề - Đồng Mô; Dự án chung cư Sky Garden Định Công; liên kết với Công ty Minh Lộc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải thành điện sạch tại thành phố Đông Hà (Quảng Trị)…
Dự án Sky Garden Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội
Kịch bản đa cấp có lặp lại?
Hoạt động kinh doanh bất động sản đa phần là các dự án “bánh vẽ” nhưng hoạt động huy động vốn theo mô hình đa cấp với quy trình trả thưởng nhị phân cho các hệ thống tại nhiều tỉnh thành của Tập đoàn Trường Tiền lại diễn ra hết sức sôi nổi. Đáng nói, Tập đoàn Trường Tiền không hề có giấy phép hoạt động đa cấp.
Tuy nhiên, với nhiều lãnh đạo bước ra từ công ty đa cấp tai tiếng, nhiều lùm xùm trong quá khứ nên không ngạc nhiên khi Trường Tiền hoạt động đúng với hình hài của 1 “tập đoàn đa cấp”...
Thực tế cho thấy việc huy động vốn từ những chiếc bánh vẽ của tập đoàn Trường Tiền, nhiều biểu hiện nghi vấn về hoạt động huy động vốn theo hình thức đã cấp của Tập đoàn Trường Tiền không phải không có nguyên do. Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Khiếu Xuân Khương - Chủ tịch Cty Gold Garden (nay là đại diện pháp luật của công ty CP Trường Tiền Holdings) đang mở văn phòng huy động vốn ở nhiều tỉnh, địa bàn, là một trong những thủ lĩnh cốt cán hàng đầu của tập đoàn này.
Theo đó, tại hội nghị các nhà đầu tư, Gold Garden giới thiệu những gói đầu tư tài chính hấp dẫn lãi suất 3-5%/tháng, có nhiều gói khác nhau theo hướng nhà đầu tư nào càng đầu tư nhiều càng được hưởng lãi suất cao. Đặc biệt, công ty còn đưa ra nhiều mức thưởng hấp dẫn cho mạng lưới huy động vốn, đó là thưởng nóng tới 8% giá trị hợp đồng đầu tư được ký cho nhân viên môi giới/tư vấn, miễn là họ tham gia mạng lưới của công ty.
Không những thế, với những nhà đầu tư ký hợp đồng ngay tại hội nghị sẽ có những ưu đãi trực tiếp. Theo lời giới thiệu và cam kết của Trường Tiền thì nhà đầu tư nhận lợi nhuận giai đoạn đầu 6-7% một tháng, thanh khoản đáo hạn hợp đồng trong 7-10 ngày sẽ nhận lại gốc. Chính điều này đã đánh trúng vào “lòng tham” của những người có tiền dư thừa, nhàn rỗi.
Thành viên tiếp theo của Tập đoàn này là ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc (nguyên là thủ lĩnh công ty đa cấp Liên Kết Việt), Liên Kết Việt là một doanh nghiệp vốn đã quá nổi danh bởi những nỗi đau mà nó mang lại có thể vẫn sẽ kéo dài rất lâu nữa mà chưa có hồi kết thúc.
Một nhân vật nữa đó là ông Trần Bình Luận, Tổng giám đốc, từng là thủ lĩnh cao cấp công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy. Sau khi công ty này xin “chết” vào năm 2017 đến nay vẫn có hơn 17000 người vẫn chưa biết đến khi nào thì rút được tiền đã đầu tư về, và chẳng biết số tiền ấy giờ ở đâu…
Ông Trần Bình Luận, Tổng giám đốc, Từng là thủ lĩnh cao cấp công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy
Liệu rằng sự tồn tại của tập đoàn Trường Tiền có được lâu dài hay sẽ theo gót các tập đoàn đa cấp kể trên, đến một ngày nào đó trong tương lai gần công ty thì “xin chết” chủ doanh nghiệp thì “bốc hơi” còn người dân thì ôm hận khóc ròng vì trót tin vào những lời mật ngọt rót tai “không cần làm gì cũng sẽ giàu”?
Chủ tịch và Tổng giám đốc cùng bị xử phạt do giao dịch cổ phiếu chui? Theo đó, cuối năm 2018, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà đã nước ban hành Quyết định số 262/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Khánh Trình (địa chỉ: số 26 ngõ 766 đường La Thành, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội), và ông Khiếu Xuân Khương - Cựu Tổng giám đốc Công CP Đầu tư HP Việt Nam (địa chỉ: tổ 39 khu 7, Trưng Vương, Uông Bí, Quảng Ninh).
Theo đó, ông Lê Khánh Trình và và ông Khiếu Xuân Khương bị phạt tiền 5 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính báo cáo giao dịch không chính xác.
Cụ thể, ngày 21/12/2018, ông Lê Khánh Trình đã mua 10.000 cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư HP Việt Nam (mã chứng khoán: KDM), dẫn đến khối lượng cổ phiếu sau giao dịch tăng từ 350.000 cổ phiếu lên 360.000 cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ sở hữu tăng từ 4,93% lên 5,07%), trở thành cổ đông lớn của KDM.
Ngày 27/12/2018, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội nhận được báo cáo sở hữu cổ đông lớn của ông Lê Khánh Trình báo cáo đã mua 360.000 cổ phiếu, dẫn đến khối lượng sau giao dịch là 360.000 cổ phiếu, thời gian thực hiện giao dịch là 21/12/2018.
Với hành vi tương tự, ngày 21/12/2018, ông Khiếu Xuân Khương đã mua 130.000 cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư HP Việt Nam, dẫn đến khối lượng cổ phiếu sau giao dịch tăng từ 230.000 cổ phiếu lên 360.000 cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ sở hữu tăng từ 3,24% lên 5,07%), trở thành cổ đông lớn của KDM.
Ngày 24/12/2018, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội nhận được báo cáo sở hữu cổ đông lớn của ông Khiếu Xuân Khương báo cáo đã mua 360.000 cổ phiếu, dẫn đến khối lượng sau giao dịch là 360.000 cổ phiếu, thời gian thực hiện giao dịch là 21/12/2018.
Được biết, ông Lê Khánh Trình là đương kim Chủ tịch Công ty CP Đầu tư HP Việt Nam và Tập đoàn Trường Tiền, và ông Khiếu Xuân Khương là Tổng giám đốc Tập đoàn Trường Tiền.
Thanh Trang