Sáng nay, tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Số 4 Trần Phú, TP. Vũng Tàu), Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Tục ăn trầu”, nhằm giới thiệu, giữ gìn và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam đến người dân, du khách, nhất là thế hệ trẻ.

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề
Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề "Tục ăn trầu" (Ảnh: Thanh Huyền)

Tham dự lễ khai mạc có ông Lê Văn Minh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Trần Văn Lợi, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, các đơn vị bảo tàng trong và ngoài tỉnh, đông đảo người dân, thầy cô giáo và các em học sinh thành phố Vũng Tàu.

Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ phát biểu tại buổi lễ
Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Thanh Huyền)

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cho biết: “Tương truyền tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương, gắn liền với những câu chuyện cảm động về tình anh em, vợ chồng, trở thành một tập quán không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Miếng trầu giúp con người gần gũi, cởi mở với nhau hơn, đó cũng là tượng trưng cho tình yêu chung thủy lứa đôi, là chiếc cầu kết nối nam nữ nên duyên vợ chồng. Miếng trầu còn là biểu tượng cho sự thành kính của thế hệ sau với thế hệ trước qua mâm cỗ thờ cúng gia tiên, tế lễ thần linh…Trầu cau còn trở thành hình ảnh đặc trưng cho văn hóa Việt, đi vào ca dao, dân ca, lễ hội…Ngày nay, tục ăn trầu và mời trầu không còn phổ biến như xưa nhưng trầu cau vẫn là thứ không thể thiếu trong việc giao hiếu, kết thân, lễ tế, cưới hỏi...”

Các đại biểu, khách tham quan nghe giới thiệu về vật dụng ăn trầu các thời kỳ
Các đại biểu, khách tham quan nghe giới thiệu về bộ dụng cụ ăn trầu qua các thời kỳ (Ảnh: Thanh Huyền)
Hình ảnh trầu cau được trang trí cầu kỳ, đẹp mắt, lễ vật không thể thiếu trong dịp lễ tế, cưới hỏi...
Hình ảnh trầu cau được trang trí cầu kỳ, đẹp mắt, lễ vật không thể thiếu trong dịp lễ tế, cưới hỏi... (Ảnh: Thanh Huyền)
Hình ảnh phụ nữ Việt Nam từ thế kỷ 19, 20 với tục ăn trầu được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh
Hình ảnh phụ nữ Việt Nam từ thế kỷ 19, 20 với tục ăn trầu được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh (Ảnh: Thanh Huyền)

Nội dung trưng bày về “Tục ăn trầu” lần này bao gồm 147 hiện vật và hơn 60 hình ảnh giới thiệu bộ dụng cụ ăn trầu và tục ăn trầu với đời sống tinh thần của người Việt Nam.  Cụ thể, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng bộ sưu tập bình vôi; bộ sưu tập ống ngoáy trầu, chìa vôi, dao bổ cau, hộp đựng thuốc xỉa và khay trầu...  Tái hiện hình ảnh tập tục thờ tự “ông Bình vôi”, hình ảnh trầu cau trong giao tế hàng ngày ở một số gia đình trung lưu người Việt, trầu cau trong lễ cưới Việt, hình ảnh trầu cau trong tập quán truyền thống của người Chăm, Hoa, Khmer dịp lễ cưới hỏi, lễ hội…

Hai nghệ nhân têm trầu đến từ xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu có thâm niên hơn 20 năm têm trầu dịp Lễ Nhà lớn Long Sơn và cho lễ cưới, hỏi...
Hai nghệ nhân đến từ xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu có thâm niên hơn 20 năm têm trầu "trổ tài" têm trầu cánh phượng tại không gian trưng bày "Tục ăn trầu" (Ảnh: Thanh Huyền)
Các em học sinh và người dân được nghệ nhân hướng dẫn cách têm trầu cánh phượng
Các em học sinh và người dân được nghệ nhân hướng dẫn cách têm trầu cánh phượng (Ảnh: Thanh Huyền)
Hình ảnh mời trầu các đại biểu
Hình ảnh mời trầu các đại biểu (Ảnh: Thanh Huyền)
Các em học sinh thích thú với trầu têm cánh phượng
Các em học sinh thích thú với trầu têm cánh phượng (Ảnh: Thanh Huyền)
Được nghe giới thiệu về tục ăn trầu, nhiều em học sinh trực tiếp ăn trầu để cảm nhận hương vị
Được nghe giới thiệu về tục ăn trầu, nhiều em học sinh trực tiếp ăn trầu để cảm nhận hương vị (Ảnh: Thanh Huyền)

Thời gian trưng bày chuyên đề "Tục ăn trầu"  từ ngày  30/8/2023 đến ngày 25/10/2023.

Hoạt động trưng bày chuyên đề lần này cũng nhằm chào mừng kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành văn hóa thông tin (28/8/1945-28/8/2023) và dịp Lễ Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam 2/9.

Thanh Huyền